Tìm hiểu thêm về các bí tích Khai tâm Kitô giáo | Ban Giáo lý và Mục vụ Thiếu Nhi Phát Diệm
Tin mới nhất:

Tìm hiểu thêm về các bí tích Khai tâm Kitô giáo

H. Đâu là tương quan giữa Bí tích Thánh Thể và việc khai tâm Kitô giáo?

T. Ba bí tích khai tâm Kitô giáo, là Rửa tội, Thêm sức và Thánh Thể, đặt nền tảng cho toàn bộ đời sống Kitô hữu. Bí tích Thánh Thể kiện toàn việc khai tâm Kitô giáo và trở thành trung tâm và mục đích của toàn bộ đời sống bí tích.

(x. GLHTCH, số 1212; Tông huấn Bí tích Tình Yêu, số 17,18)

  1. Hai truyền thống: Đông phương và Tây phương

Trong những thế kỷ đầu, Bí tích Thêm sức thường được cử hành chung với Bí tích Rửa tội, thành một “bí tích kép”. Ở Tây phương, Giáo Hội đã tách biệt về thời gian của hai bí tích này; còn bên Đông phương vẫn duy trì việc liên kết hai bí tích trên (GLHTCG, số 1290).

Cách thực hành của các Giáo Hội Đông phương nhấn mạnh hơn đến tính thống nhất của việc khai tâm Kitô giáo. Cách thực hành của Giáo Hội La tinh diễn tả rõ ràng hơn sự hiệp thông của Kitô hữu mới với Giám mục của mình (GLHTCG, số 1292).

  1. Việc khai tâm Kitô giáo theo Tông huấn Bí Tích Tình Yêu

Trong Tông huấn Bí Tích Tình Yêu, Đức Bênêđíctô XVI đã khẳng định rằng: Sự khác biệt về trình tự của các bí tích khai tâm giữa hai truyền thống Đông phương và Tây phương, không thuộc về mặt tín lý, nhưng là về mặt mục vụ (x. số 18).

Ngài còn nhấn mạnh rằng:Nếu thật sự Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống và sứ vụ của Hội Thánh, thì trước hết tiến trình khai tâm Kitô giáo phải hướng đến khả năng lãnh nhận bí tích này. Chúng ta không bao giờ được quên rằng chúng ta được Rửa tội và Thêm sức để nhằm vào việc lãnh nhận Bí tích Thánh Thể. Vì thế, Bí tích Thánh Thể cực thánh mới kiện toàn việc khai tâm Kitô giáo và trở thành trung tâm và mục đích của toàn bộ đời sống bí tích (x. số 17).

  1. Đức Hồng Y Christoph Schönborn giải thích

Ba bí tích khai tâm dẫn vào đời sống Kitô giáo là Rửa Tội, Thêm Sức, Thánh Thể (Rước lễ lần đầu). Ngày nay người Kitô hữu thường quên mất điều này là cả ba bí tích trên tạo thành một thể thống nhất. Khi chúng ta tham dự nghi thức rửa tội cho người lớn, sẽ thấy sự duy nhất này cụ thể hơn. Thông thường, các dự tòng lãnh nhận cùng lúc cả ba bí tích: được rửa tội, chịu phép Thêm sức và rước lễ.

Trong sách Công Vụ, có những trường hợp gia nhập Đạo rất nhanh. Chẳng hạn viên cai ngục ở Trôa: ngay đêm hôm đó, ông ta và cả gia đình tin vào Chúa, được rửa tội và tham dự Bữa Tối của Chúa (Cv 16,33-34). Viên hoạn quan xứ Êthiôpia cũng thế (Cv 8,26-40). Thế nhưng Hội Thánh sơ khai cũng cho thấy thông thường thời gian chuẩn bị để chịu Phép Rửa phải kéo dài lâu hơn, đến 3 năm. Các dự tòng phải học giáo lý, thông thường là chính giám mục dạy. Họ học kinh Tin Kính, đón nhận kinh Lạy Cha, rồi còn phải xem xét cách ăn nết ở và sự hiểu biết đức tin của họ. Hội Thánh còn cử hành nghi thức trừ quỷ để xua đuổi quyền lực tối tăm khỏi các dự tòng. Cuối cùng, thường là vào Đêm Vọng Phục Sinh, họ mới được rửa tội và được xức dầu thánh. Đây là lần đầu tiên họ được phép tham dự việc cử hành Thánh Thể và Bàn tiệc của Chúa. Trước đó, họ đến nhà thờ dự lễ nhưng sau phần Phụng Vụ Lời Chúa thì phải ra ngoài. Chia sẻ việc cử hành “mầu nhiệm đức tin” chỉ được dành riêng cho những người đã được rửa tội.

 Vào thế kỷ IV và V, khi con số trẻ sơ sinh được rửa tội chiếm đại đa số thì tiến trình chuẩn bị nói trên cũng bị dần rơi vào quên lãng. Giáo Hội Đông phương vẫn duy trì việc ban cả ba bí tích cho trẻ nhỏ. Giáo Hội Tây phương đi theo một hướng khác, tức là tách bí tích Thêm Sức và Rước lễ lần đầu khỏi việc rửa tội. Làm như thế để nối kết những giai đoạn khác nhau trong tiến trình phát triển của một người với những giai đoạn đào tạo đời sống Kitô hữu. Các mục tử có nhiệm vụ phải giải thích cho anh chị em tín hữu hiểu biết về sự duy nhất nội tại của ba bí tích này như Đức Phaolô VI diễn tả:

 “Việc tham dự vào bản tính Thiên Chúa mà ân sủng của Đức Kitô ban cho con người, có một sự tương tự nào đó với đời sống tự nhiên, là được sinh ra, lớn lên, và được nuôi dưỡng. Thật vậy, được tái sinh bằng bí tích Rửa Tội, các tín hữu được củng cố bằng bí tích Thêm Sức, sau cùng được bồi bổ bằng Bánh trường sinh trong bí tích Thánh Thể. Như vậy, nhờ các bí tích khai tâm Kitô giáo, càng ngày họ càng được lãnh nhận những kho tàng của đời sống thần linh và tiến đến sự trọn hảo của đức mến” (GLHTCG số 1212).

Tài liệu tham khảo:

  1. Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo (GLHTCG), số 1212; 1290-1292; 1318.
  2. ĐGH Bênêđíctô XVI, Tông huấn Bí tích Tình Yêu (Sacramentum caritatis), số 17-19.
  3. ĐHYChristoph Schönborn, Tìm hiểu Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, Phần II, Bài 20: Các bí tích khai tâm, trong http://www.hdgmvietnam.com

 

 

Đăng một bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật.


*