Giáo dục tính tự chủ – tự lập cho con cái | Ban Giáo lý và Mục vụ Thiếu Nhi Phát Diệm
Tin mới nhất:

Giáo dục tính tự chủ – tự lập cho con cái

Giáo dục tính tự chủ – tự lập cho con cái

Hoàng Mai Khanh

WHĐ (6.9.2020) – Có một câu chuyện về Mẹ Têrêxa Calcutta: khi được hỏi “chúng ta có thể làm gì để cổ võ hòa bình trên thế giới?”, Mẹ đã mỉm cười hóm hỉnh trả lời: “Hãy đi về nhà và yêu thương gia đình của mình”. Để trả lời câu hỏi “gia đình có thể làm gì để thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng? để Giêsu được lớn lên trên đất nước Việt Nam?”, có lẽ Mẹ Têrêxa cũng sẽ mỉm cười: “Hãy làm cho Giêsu được lớn lên ngay trong gia đình của mình”. Trong bài viết này, xin được đề cập đến một khía cạnh trong giáo dục gia đình mà cha mẹ có thể góp phần làm cho Giêsu được lớn lên trong gia đình của mình: giáo dục tính tự chủ – tự lập cho con. Cha mẹ hình thành và phát triển tính tự chủ – tự lập của con là “làm cho Ngài lớn lên” nơi con cái mình.

Tính tự chủ tự lập bao gồm các khả năng tự điều khiển, biết mình và tự khẳng định, khả năng làm việc độc lập, khả năng tự tổ chức, tinh thần trách nhiệm và biết sống hòa hợp với mọi người. Vậy con đường dẫn đến tự chủ – tự lập là gì? Để đạt được những khả năng này, chủ thể phải đặt mình vào một thế lưỡng cực trên 3 khía cạnh: giữa cá nhân hóa và tập thể hóa; giữa độc lập và phụ thuộc; giữa gắn bó và tách rời.

– Khía cạnh thứ nhất “Cá nhân hóa và Tập thể hóa”

Con đường đạt được tính tự chủ tự lập cũng chính là con đường xây dựng chính “Mình”. Để tìm được “Mình”, theo nhà xã hội học J-C. Deschamps, mỗi người phải tìm được căn tính của cá nhân mình nhưng đồng thời cũng phải hiểu và thấm nhuần căn tính của tập thể xã hội mà mình phụ thuộc. Đỉnh cao của cặp đối lập này là sự kết hợp hài hòa một cách bình đẳng giữa cái tôi cá nhân và cái tôi xã hội[1], hình thành một nhân cách độc lập, có cái riêng và cũng nhìn nhận cái chung.

– Khía cạnh thứ hai “Độc lập và Phụ thuộc”

Bản năng của con người là luôn đi tìm độc lập. Nhưng con người không bao giờ đạt đến độc lập tuyệt đối, mà luôn bị phụ thuộc vào các yếu tố nội tại và khách quan, đặc biệt con người luôn bị phụ thuộc trong các mối tương quan xã hội. Tuy nhiên sự phụ thuộc đó không thể cản trở con người đạt đến tự chủ tự lập. Sự thăng hoa của cặp đối lập này là tìm độc lập trong các mối quan hệ, nghĩa là tôi nhìn nhận người khác như một cá nhân, một chủ thể độc lập, ngược lại người khác cũng nhìn nhận tôi như vậy. Vì thế, con người tự chủ tự lập không phải là người độc lập hoàn toàn nhưng là người thiết lập được mối quan hệ bình đẳng giữa người với người[2]. Trong tương quan bình đẳng này, cha mẹ nhìn nhận con cái là chủ thể độc lập và con cái có một nhân cách ngang bằng mình. Kết quả của sự thăng hoa này là tôn trọng và trách nhiệm.

– Khía cạnh thứ ba “Gắn bó và Tách rời”

Theo các nhà phân tâm học, “tách rời” là bước rất cần thiết cho quá trình phát triển và trưởng thành của trẻ. Tiến trình của “tách rời” bao gồm việc giảm mức độ phụ thuộc tình cảm và việc xoá bỏ quan niệm bảo trợ tuyệt đối của cha mẹ. Mục đích của bước này là khuyến khích sự phát triển cá nhân. Nhưng các tâm lý gia cũng lưu ý : cần giữ một khoảng cách giữa con cái với cha mẹ nhưng không có nghĩa là cắt đứt hoàn toàn mối dây tình cảm với gia đình, ngược lại phải đẩy mạnh quan hệ tình cảm tích cực với cha mẹ. Tình yêu thương nâng đỡ của cha mẹ sẽ là tấm lá chắn bảo đảm an toàn tâm lý cho con trên bước đường phát triển[3]. Như vậy, tình yêu thương nâng đỡ và thái độ, hành vi khuyến khích tự chủ – tự lập của cha mẹ là chất xúc tác tốt cho sự phát triển tính tự chủ – tự lập nơi con cái.

Tóm lại, tự chủ – tự lập không phải là sự phát triển cá nhân một cách tự do tuyệt đối ; mà chính là sự phát triển nhân cách độc lập trong tinh thần hoà nhập xã hội và trong các quan hệ bình đẳng tôn trọng lẫn nhau.

Quan niệm như trên thì tự chủ – tự lập là giá trị làm cho con người triển nở toàn diện. Một trẻ có tính tự chủ – tự lập tốt có khả năng tự chủ bản thân, biết mình và tự khẳng định, không bị lôi cuốn bởi bạn bè, phim ảnh, học tập và làm việc độc lập, có khả năng tự tổ chức, tinh thần trách nhiệm và biết sống hòa hợp với gia đình, bạn bè. Như vậy, khi hình thành và phát triển tính tự chủ-tự lập cho con, cha mẹ và con cái dễ dàng thực hiện kỷ luật tích cực trong gia đình, dễ dàng giải quyết các vấn đề mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái. Giáo dục tính tự chủ – tự lập cũng giúp con tự bảo vệ mình trước những lôi cuốn của phim ảnh xấu, games online, …

Cha mẹ làm thế nào để giáo dục, khuyến khích tự chủ – tự lập nơi con cái?

Để đạt được tự chủ – tự lập cần một quá trình học tập và giáo dục, quá trình này cần phải được bắt đầu từ rất sớm. Vai trò của cha mẹ là rất quan trọng, có thể phát triển tính tự chủ – tự lập nơi con nhưng cũng có thể cản trở quá trình phát triển này.

Một vài gợi ý cho cha mẹ trong việc giáo dục tính tự chủ – tự lập cho con:

– Giao việc cho con;

– Cho con sự lựa chọn (có thể là lựa chọn trong sự giới hạn): con cảm thấy không bị áp đặt; những ý kiến, chọn lựa của mình được tôn trọng;

– Tôn trọng những cố gắng của con, không làm thay con những gì con có thể làm được. Không bao giờ nói con không có khả năng làm việc này, việc kia, hoặc làm “cụt hứng”, mất hứng, giảm động cơ khi con vừa bắt đầu làm cái gì đó. Cho con biết con có khả năng, năng lực đối diện với những thách thức lớn và đạt được kết quả tốt, vì “phần lớn những gì không làm được là do tự mình đã nói mình không làm được”;

– Đừng đặt quá nhiều câu hỏi;

– Không vội vàng trả lời câu hỏi, giải đáp thắc mắc của con. Giúp con suy nghĩ, động não, tự thân vận động để tìm ra câu trả lời;

– Không chỉ khuyến khích con tự tìm câu trả lời mà còn giúp con biết đặt câu hỏi;

– Giúp con biết nhận trách nhiệm khi thành công cũng như khi thất bại;

– Lắng nghe và khuyến khích con trình bày ý kiến, quan điểm của mình;

– Thể hiện tình yêu thương và cho con thấy: ba mẹ luôn sẵn sàng hỗ trợ khi con gặp khó khăn hay cần ý kiến đóng góp của cha mẹ.

Những hành vi trên tưởng chừng như rất đơn giản và dễ thực hiện. Thế nhưng, những ai đã là cha mẹ thử nhìn lại, đã bao lần bạn không thực hiện được một trong những việc trên? Vì sợ mất thời gian, vì thiếu sự kiên nhẫn, „ngứa mắt“ vì con làm vụng về, không hoàn hảo như bạn muốn, vì sợ con đi sai đường, sợ con vấp ngã và nhất là vì cha mẹ thiếu niềm tin nơi con mình.

Thiên Chúa – Người Cha đã đặt trọn niềm tin nơi con người và ban cho con người tự do. Các cha mẹ được mời gọi học hỏi nơi Ngài và đáp lại mong muốn tha thiết của con cái: “Cha mẹ phải tin con chứ!”.

Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 67 (Tháng 9 & 10 năm 2011)

Nguồn: hdgmvietnam.com

[1] Deschamps J-C. et all., Identité sociale, la construction de l’individu dans les relations entre groupes, Grenoble, Presse Universitaire de Grenoble, 1999.

[2] Hoffmans-Gosset M.A, Apprendre l’autonomie – Apprendre la socialisation, Lyon, Chronique Sociale, 2000.

[3] Lamborn & Steinberg, Emotional autonomy redux: revisiting Ryan and Lynch, Child Development, 64, 483-499.

Đăng một bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật.


*