Bữa ăn và sự gặp gỡ | Ban Giáo lý và Mục vụ Thiếu Nhi Phát Diệm
Tin mới nhất:

Bữa ăn và sự gặp gỡ

Bữa ăn và sự gặp gỡ

Aldina da Silva
Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ từ Parabole

Là nguồn cần thiết bổ sung năng lượng, là thời khắc thụ hưởng vui tươi, bữa ăn còn là dịp để đối thoại, trao đổi và chia sẻ. Một tình cảm hiệp thông rất đặc biệt nối kết những người đồng bàn. 

Trong thế giới Kinh Thánh và ngoài xã hội nữa, bữa ăn đánh dấu những biến cố lớn trong đời sống gia đình và cộng đoàn: tiệc thôi nôi, đám cưới, những cam kết xã hội và chính trị. Người ta mời khách dùng bữa. Ý nghĩa biểu trưng vẫn luôn là: nối kết những khách mời, khơi dậy sự hiệp thông tinh thần và hòa hợp tâm hồn.

Ăn bánh

Ăn bánh là “nuôi sống mình”. Trong một xã hội nông nghiệp như xã hội của Kinh Thánh thì ngũ cốc là lương thực cơ bản. Hình thức của chiếc bánh có khác nhau. Đó là tấm bánh hay ổ bánh: bằng lúa mạch, lúa mì, hạt kê hay lúa mì nâu. Đôi khi, bột bánh được làm cho mềm đi bằng mật ong hay dầu. Hạt ngũ cốc không thôi cũng là lương thực cơ bản. Cách đơn giản nhất để chuẩn bị bữa ăn bằng ngũ cốc là rang hay nướng.

Quạ phục vụ bữa ăn

Ngôn sứ Êlia gặp khó khăn khi thi hành nhiệm vụ. Trốn cuộc truy sát của vua Akháp, ông chạy vào sa mạc, nơi không mấy hiếu khách mà ta có thể chết đói ở đấy. Nhưng Thiên Chúa lo lắng và bảo đảm cho sự sống còn của ông. Cứ đến trưa, một con quạ mang bánh và thịt đến. Trước khi đêm xuống, cũng con quạ ấy (hay một con khác?) lại xuất hiện. Và sự việc cứ tiếp tục như thế cho đến khi vị ngôn sứ không còn ở trong tình trạng nguy hiểm nữa. Như thế, Êlia có thể lên đường đi Sarépta (ngôi làng mà Thiên Chúa muốn ông đến), nhờ những bữa ăn mà quạ phục vụ trưa tối. Bản văn này cho ta biết về các giờ ăn. Người Israel cổ ăn bữa trưa và bữa tối, ngồi trên đất. Họ cũng dùng những bữa ăn dặm nhẹ gồm: trái cây khô (chà là, vả, nho), hạt đào lạc (pistaches), quả hạnh (amandes), quả óc chó (noix).

Khi đậu lăng thành giấm chua

Một câu chuyện khác về bữa ăn. Hai anh em sinh đôi: Êsau và Giacóp. Êsau là đứa con yêu của cha; Giacóp là đứa con yêu của mẹ. Một ngày kia, Êsau đi săn như thường lệ. Anh tìm con mồi để chuẩn bị món ăn mà cha anh yêu thích. Đấy là ngày Isaác chúc lành đặc biệt cho người con trưởng. Biết được chuyện, bà mẹ bảo Giacóp bắt hai con dê non trong đàn để bà làm món mà ông Isaác yêu thích. Đánh lừa người cha mù lòa, Giacóp được lầm tưởng là Êsau và chiếm lấy sự chúc lành dành cho anh mình. Hiển nhiên, Êsau đến sau với bữa ăn đã “biến thành giấm”!

Rõ ràng, bữa ăn không đem lại cơ hội cho Êsau, người mà trước đó cũng vừa mới “nhường” quyền trưởng nam cho Giacóp để đổi lấy một tô cháo đậu lăng. Chắc chắn, đậu lăng là họ đậu được biết đến nhiều nhất, nhưng người Israel cổ cũng ăn cả đậu gà (pois chiches) và rau quả như:  dưa chuột, hành tây, tỏi…

Và thức uống?

Người ta uống rượu nho, hoặc là nước nho ép có đường hoặc là nước ép cho lên men. Đôi khi được cho thêm hương vị, rượu nho được pha loãng nếu quá đậm. Hơn nữa, rượu nho không phải là thức uống có cồn duy nhất được biết đến. Chekhar, nghĩa là thức uống làm cho say, hoặc chỉ một loại rượu làm từ quả cây cọ, chà là, một loại bia làm từ lúa mạch, hoặc một thức uống lên men khác. Kinh Thánh còn nói đến một loại hèm làm từ quả lựu.   Để giải khát khi làm việc đồng áng, người ta uống một loại giấm pha với nước.

Gia vị và biểu tượng

Trong thế giới Kinh Thánh, những giao ước đôi khi được gọi là “giao ước muối” (tiếng Hípri là berith mélah), bởi vì muối thêm vị cho món ăn nhưng nhất là vì nó bảo quản tránh khỏi hư hoại. Muối trở thành biểu tượng của sự trường tồn và trung tín của giao ước được ký kết. Những tập quán của người Ả Rập ở đầu thế kỷ giúp ta hiểu rõ hơn về biểu tượng này. Để kết thúc một hiệp ước hay làm cho tình bạn bất phân ly, người Ả Rập cùng nhau nhúng hai miếng bánh của cùng một chiếc bánh vào trong muối và ăn chúng. Họ tuyên thệ rằng: “Hãy làm điều này nhờ bánh và muối ở giữa chúng ta”. Từ đó có thành ngữ Ả Rập  “traître jusqu’au sel” (phản bội đến cả muối, nghĩa là, phá hủy giao ước). Và thành ngữ “avoir mangé un boisseau de sel” (ăn một vốc muối) có nghĩa là “bạn vong niên”.

Ngồi bàn ăn

Phục vụ bàn ăn thay đổi tùy theo giai cấp xã hội. Người nghèo ngồi quanh một mâm ăn sâu lòng mà mỗi người lấy thức ăn bằng tay. Trong những gia đình có điều kiện, người ta đặt những ghế và bàn riêng (những chân ghế mà người ta đặt mâm ăn trên đó). Từ thế kỷ V trước Công nguyên, người ta mới thấy các vua chúa, và những nhân vật đặc biệt (nhất là trong những đại tiệc) nằm dài ra ăn trong khi các bà vẫn ngồi.

Sách Châm Ngôn 23,1-3,6-8 và Huấn Ca 31,12-24 cho chúng ta những mẫu “quy chuẩn” khi ngồi bàn ăn: “Khi con ngồi ăn với kẻ có chức quyền, hãy để ý kỹ người đối diện.  Nếu con vốn tham ăn, hãy đặt dao kề cổ. Đừng thèm thuồng cao lương mỹ vị của hắn, vì đó là thứ đồ ăn phỉnh gạt. […] Chớ ăn bánh của quân xấu bụng, đừng thèm thuồng cao lương mỹ vị của hắn. Vì lòng hắn nghĩ sao, con người hắn như vậy. Hắn mời con: “Ăn uống đi nào!” Nhưng đâu phải hắn có lòng với con. Mẩu bánh vừa nuốt vào, con đã phải thổ ra. Mất công toi bao nhiêu lời tốt đẹp” (Cn 23, 1-3,6-8)

“Khi ngồi trước mâm cao cỗ đầy, đừng hả họng thốt lên: “Chà! Thịnh soạn quá!” Hãy nhớ rằng: mắt hau háu là điều chẳng hay. Có thụ tạo nào tệ hơn con mắt? Gặp chi nó cũng phát khóc (vì thèm). Miếng người khác đã nhằm, con đừng đưa tay tới, đừng giành với họ trên cùng một đĩa. Hãy suy bụng ta mà nghĩ ra bụng người, làm việc gì cũng phải đắn đo cân nhắc. Những món đã dọn ra, hãy ăn làm sao cho xứng một con người, đừng nhai nhồm nhoàm kẻo bị khinh chê. Hãy tỏ ra có giáo dục mà buông đũa trước. Đừng háu ăn kẻo người ta bực mình. Chung mâm với nhiều người, con đừng cầm đũa trước. Người có giáo dục thì chút ít cũng vừa, trên giường nằm sẽ không tức bụng. Ăn chừng mực sẽ ngủ thoải mái, thức dậy sớm, tâm hồn được thảnh thơi; kẻ ăn uống quá độ thì mất ngủ đã đành, mà còn bị thượng thổ hạ tả. Nếu đã bị ép phải ăn, hãy đứng lên ra ngoài mà ói, con sẽ thấy dễ chịu. Con ơi, hãy nghe ta, chớ có khinh thường, sau này con sẽ thấy là ta nói đúng: Trong mọi việc con làm, hãy giữ chừng giữ mực, thì chẳng bệnh tật nào chạm tới con. Chủ nhà hào hoa, người người ca tụng, thiên hạ còn kể mãi về lòng tốt của ông. Chủ nhà sẻn so, cả làng đàm tiếu, thiên hạ có kể về sự hẹp hòi đó thì cũng phải thôi” (Hc 31,12-24)

Bữa tiệc Thánh Thể

Có những lời nói và hành động của Đức Giêsu liên quan đến tính chất xã hội của bữa ăn. Vì thế, khi Đức Giêsu phân phát bánh cho đám đông, Ngài không làm theo kiểu mạnh ai nấy tự phục vụ; Ngài bảo mọi người “quy tụ lại thành những nhóm 100 hay 50 người”, như thế là làm thành những bàn ăn. Và chỉ khi đó thì bữa ăn chính thức mới bắt đầu. Cùng nhau ăn, trao đổi với nhau những lời nói, tăng thêm giá trị thiêng liêng cho thú vui yến tiệc. Trong Kinh Thánh, bữa ăn là nơi khơi gợi lên sự hòa giải, tái lập những giao ước đã bị phá vỡ. Đàng khác, phản bội đang khi người ta tin tưởng cùng ngồi ăn với nhau, đó sẽ là sự phản bội tệ hại nhất trong mọi sự phản bội.

Theo các Tin Mừng, chính quanh một bàn ăn mà Đức Giêsu đã quy tụ các môn đệ với nhau lại lần cuối cùng. Chia sẻ bánh và rượu trở nên biểu tượng của quà tặng mà Chúa đã làm bằng chính con người mình dành cho số đông người, là giao ước mà Ngài thiết lập với mỗi người. Nhất là nó tượng trưng cho sự kết hiệp từ nay ngự trị giữa những ai “ăn bánh và uống chén này” trong khi chờ đợi bữa đại yến tiệc cùng với Ngài trong Nước Trời.

Nguồn: gpquinhon.org

 

 

 

Đăng một bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật.


*