Bài giảng Lễ Chúa Lên Trời năm C
BÀI GIẢNG CHÚA NHẬT VII PS-CHÚA LÊN TRỜI
Lc 24, 46-53
CHÚA LÊN TRỜI – TỪ NIỀM VUI ĐẾN RAO GIẢNG
Kính thưa quý ông bà và anh chị em!
Đối với những người không có niềm tin, con người chỉ bó gọn trong trái đất này và khi kết thúc cuộc sống ở trần gian là đi vào hư vô. Nhưng đối với chúng ta, những người có đức tin, ngoài thế giới trần gian này vẫn còn một thế giới khác và sau sự sống ở trần gian là khởi đầu cho một sự sống khác, phong phú hơn nhiều so với sự sống ở đời này. Niềm tin đó được thể hiện cụ thể trong ngày lễ mừng Chúa lên trời hôm nay.
- Lên trời có nghĩa là gì?
Người Do thái xưa quan niệm rằng, vụ trụ chia ra làm 3 phần: phần dưới đất là âm phủ, dành cho người chết; phần trên mặt đất dành cho người đang sống; và phần trên trời là thế giới của Thiên Chúa và các thánh. Vì vậy, để thích ứng với quan niệm đó, mầu nhiệm CGS phục sinh đã được trình bày thành hai giai đoạn : Giai đoạn 1 : sống lại, Chúa Giêsu (CGS) đi từ âm phủ lên mặt đất ; giai đoạn 2 : lên trời, CGS bay từ mặt đất lên thế giới của Thiên Chúa. Cách trình bày này có ưu điểm là giúp cho người bình dân dễ hiểu nhưng có nguy cơ làm cho chúng ta hiểu sai rằng, CGS lên trời là đi xa cách chúng ta, bởi vì trời thì ở trên cao và không có liên hệ gì với đất cả. Thực ra, lên trời ở đây không có nghĩa là CGS lên ngự ở một chỗ nào đó trên trời theo nghĩa vật lý, nhưng là một cách nói ngụ ý rằng, CGS đã được Thiên Chúa ban cho quyền năng và vinh quang.
Theo Tin mừng của thánh Gioan, giờ phút CGS chịu chết cũng là giờ Ngài được tôn vinh (x. Ga 13,31). Vì vậy, CGS lên trời ngay khi Ngài sống lại, chứ không phải đợi 40 ngày sau.
- CGS không xa chúng ta
CGS lên trời nghĩa là Ngài chuyển sang cõi siêu linh. Ngài không còn hiện diện với các môn đệ bằng xương bằng thịt như trước nữa nhưng hiện diện cách thiêng liêng vô hình, và cách hiện diện này thì phong phú và sống động hơn nhiều. Trước khi phục sinh, CGS cũng rất yêu thương các môn đệ nhưng Ngài chỉ có thể hiện diện bên cạnh các ông. Nhưng sau khi phục sinh, Ngài còn hiện diện bên trong các ông nữa. Điều mà con người không làm được thì Thiên Chúa đã làm. ĐGS một khi đã lên ngự bên hữu Thiên Chúa, được mặc lấy quyền năng và vinh quang Thiên Chúa, thì Ngài sẽ đến ngự trong chúng ta như Ngài đã nói: “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy, Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại nơi người ấy” (Ga 14,23).
Bài Tin mừng cho thấy, sau khi tiễn CGS về trời, các Tông đồ trở về, “lòng đầy vui mừng”. Tại sao CGS đi mà các ông không đau buồn nhưng lại vui mừng? Thưa, bởi vì các Tông đồ biết CGS trở về cùng Cha để hưởng vinh quang bên Cha như Ngài đã nói: “Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em phải vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha” (Ga 14,28). Hơn nữa, các ông vui mừng vì đã cảm nhận được một cách mạnh mẽ sự hiện diện vô hình của Thầy.
Chúng ta không may mắn như các Tông đồ là được ở bên Chúa và nhìn thấy Chúa bằng xương bằng thịt, nhưng chúng ta lại được Chúa luôn ở bên cạnh và ở trong chúng ta khi chúng ta yêu mến và kết hợp với Ngài dù chúng ta ở đâu hay vào bất cứ lúc nào. Đây mới là sự hiện diện bền vững và mang lại an ủi nhiều cho chúng ta.
Không những thế, CGS còn về cùng Chúa Cha để làm trạng sư bênh đỡ cho chúng ta như bài đọc 2, trích thư Do thái, cho biết:“Người đã vào chính cõi trời, để giờ đây ra đứng trước mặt Thiên Chúa để chuyển cầu cho chúng ta” (Dt 9,24b). CGS là vị Thượng Tế đích thực, đã mở ra con đường để chúng ta có thể về với Cha. Con đường đó cũng chính là bản thân Ngài.
Như vậy, CGS đi về cùng Cha nhưng Ngài vẫn ở lại và ở thật gần gũi với chúng ta. Ngài đi trước để mở đường và dẫn chúng ta về với Cha. Hơn nữa, chúng ta còn được Ngài bênh đỡ cho trước ngai tòa Thiên Chúa.
- Trở nên nhân chứng
Kính thưa anh chị em !
Được Chúa yêu thương và cứu chuộc là niềm hy vọng và niềm vui lớn lao của người Ki-tô hữu chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta không được phép giữ riêng niềm vui này cho bản thân mình nhưng phải chia sẻ cho mọi người. Đây không chỉ là một việc làm bác ái mà còn là một nhiệm vụ vì đó là lệnh truyền của ĐGS.
Bài Tin mừng chúng ta vừa nghe tường thuật rằng, trước khi về trời, CGS phục sinh trao cho các môn đệ sứ mạng rao giảng Lời Chúa:“Phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân”. Đồng thời, Ngài cũng ban cho các môn đệ khả năng thực hiện những dấu lạ điềm thiêng để chứng thực cho lời giảng của các ông.
Qua lệnh truyền của ĐGS, việc rao giảng Tin mừng đã trở thành bản chất của Giáo hội. Bản chất là yếu tố làm cho một sự vật là chính nó. Ví dụ, bản chất của muối là mặn. Nếu muối không còn mặn thì đã mất đi bản chất của nó và không còn dùng được nữa. Cũng vậy, Giáo hội mà không rao giảng Tin mừng thì không còn là Giáo hội nữa. Trách nhiệm rao giảng Tin mừng không phải chỉ thuộc về các giám mục, linh mục và tu sỹ nhưng thuộc về tất cả mọi ki-tô hữu, bởi vì tất cả đều là chi thể trong thân thể mầu nhiệm là ĐKT. Việc loan báo này không bắt buộc chúng ta phải đi đến những nơi xa xôi, nhưng cần bắt đầu ở những nơi và những người gần gũi chúng ta, trước hết là những người thân trong gia đình.
Thế nhưng để có thể rao giảng cho người khác, mỗi người Ki-tô hữu trước hết phải trở nên chứng nhân cho ĐGS. Trong cả bài đọc 1 và bài Tin mừng, CGS đều kêu gọi các môn đệ hãy trở nên chứng nhân của Ngài để có thể rao giảng Tin mừng cho nhân loại. Đức Thánh Cha Phaolô VI cũng nói trong Thông điệp “Evangelii Nuntiandi” rằng: “Người thời nay sẵn sàng nghe những chứng nhân hơn là thầy dạy và người ta có nghe theo thầy dạy là vì thầy dạy cũng là chứng nhân”.
Để có thể trở nên chứng nhân, mỗi người chúng ta phải được CTT tác động. Bài đọc 1 cho thấy, trước khi lên trời, CGS căn dặn các môn đệ: “Không được rời khỏi Giê-ru-sa-lem, nhưng phải ở lại để chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa” (Cv 1,4b). Đó là việc ban CTT cho các môn đệ. Vì thế, mỗi người chúng ta cần cầu xin ơn CTT và để cho CTT tác động trong chúng ta. Như thế, chúng ta mới có thể trở nên những chứng nhân cho Tin mừng của Chúa.
Kính thưa anh chị em !
Mừng lễ Chúa lên trời hôm nay, chúng ta cảm thấy thật may mắn và hạnh phúc vì chúng ta được làm môn đệ của Chúa. Chúng ta vui mừng vì CGS đã lên trời để mở đường cho chúng ta. Ngài được tôn vinh bên cạnh Chúa Cha và làm trạng sư cho chúng ta bên cạnh Chúa Cha. Tuy nhiên, chúng ta cũng được thúc đẩy phải mang niềm vui này chia sẻ cho mọi người, để tất cả đều đón nhận được hạnh phúc. Xin cho mỗi người chúng ta trở nên những chứng nhân nhiệt thành và đầy tràn CTT. Amen.
Phó tế: Antôn Bùi Đức Lợi
Đăng một bình luận