Đề cương huấn luyện Tông đồ Đội trưởng | Ban Giáo lý và Mục vụ Thiếu Nhi Phát Diệm
Tin mới nhất:

Đề cương huấn luyện Tông đồ Đội trưởng

Đề cương huấn luyện Tông đồ Đội trưởng

A.- DẪN NHẬP

Trong hoàn cảnh hiện tại của các xứ đoàn trong giáo phận, quan niệm về đội trưởng còn nhiều khác biệt giữa nơi này với nơi khác; người này với người khác. Mỗi quan niệm đều có thể đưa ra những luận chứng để bảo vệ ý kiên của mình. Các cuộc tham khảo trực tiếp và thực tế với các trưởng đã từng và đang cầm đoàn TNTT hiện nay cho thấy có hai “trường phái” đang nổi bật, và còn lâu mới có thể đi đến thống nhất, bởi còn phải chờ đợi thành quả của từng phương pháp trong bối cảnh đặc biệt của TNTT hiện nay. Hai “trường phái” nổi bật đó là:

– Trường phái 1 chủ trương đội trưởng phải lớn hơn hẳn các các đội sinh như anh cả với em út, được cấp trên cắt đặt để coi đội (tạm gọi là ĐT cách 1) : chọn từ các đoàn sinh sau tuổi nghĩa sĩ, hoặc dự trưởng để huấn luyện làm đội trưởng cho tất cả các ngành.

– Trường phái 2 chủ đồ đội trưởng bằng tuổi hoặc nhỉnh hơn một chút, được tuyển chọn ngay trong số các đội sinh (tạm gọi là ĐT cách 2): Chọn các em trổi vượt trong các đội cùng ngành, cùng lứa tuổi, huấn luyện làm đội trưởng cho các đội cùng ngành, cùng lứa tuổi.

Theo mỗi cách chọn lựa, vai trò của đội trưởng cũng như nhiệm vụ được trao cho đội trưởng cũng khác nhau, và cách huấn luyện cũng khác nhau. Nhưng rõ ràng là đội trưởng được huấn luyện theo cả 2 cách này hiện đang thực sự điều hành các đoàn từ ngày TNTT mới tái lập đến nay. Dù theo cách nào, đội trưởng vẫn cần phải được huấn luyện tối thiểu về những kiến thức, kỹ năng và bản lãnh đủ để các em có thể điều hành đội.

Hiện nay, vì nhu cầu, xin đề nghị một chương trình huấn luyện đội trưởng, như bước khởi đầu đi đến sự hoàn hảo và thống nhất. Mong các huynh trưởng có kinh nghiệm coi đoàn đang khi xử dụng nhận xét và đóng góp thêm cho chương trình ngày thêm phong phú.

Khởi đi từ thực tế độc đáo của thiếu nhi là:

– Thiếu nhi Thánh Thể hiện nay không phải được thành lập từ số 0; Đoàn sinh TNTT không phải từ bên ngoài hay từ nơi khác tới, nhưng đã có sẵn trong tay chúng ta. Cần nhấn mạnh rằng chúng ta không có quyền chọn em này, bỏ em khác. Chúng ta không có chọn lựa nào khác hơn, là đón nhận tất cả mọi em. Nếu nói đến “tuyển chọn” trong TNTT là sự chọn lựa cấp lãnh đạo, chỉ huy mà thôi. Do đó có vấn đề chọn các em có phẩm chất trội vượt dể huấn luyện làm đội trưởng và rồi huynh trưởng.

– Vì vậy chương trình này cũng có thể được xử dụng như một bước quan trọng trong tiến trình thành lập đoàn ở những nơi chưa có đoàn sinh. Nhưng trên thực tế, như đã nói trên, tất cả các giáo xứ trong giáo phận đều đã có thiếu nhi đang học giáo lý.

– Do đó chương trình này chủ yếu nhắm cung đường lối, đề cương cấp tài liệu và kinh nghiệm để chọn lựa và huấn luyện đội trưởng từ các thiếu nhi mà chúng ta, dù muốn hay không, phải đón nhận và đã có sẵn trong tay (vì thế , trong tiến trình thành lập đoàn, mà nói đúng hơn là chuyển đổi thành TNTT, có thể bỏ qua giai đoạn “tự do ghi tên, làm đơn xin gia nhập và tuyển chọn đoàn sinh”!)

B.- TIẾN TRÌNH HUẤN LUYỆN

Huấn luyện đội trưởng là bước khởi đầu và căn bản cho việc tổ chức và giáo dục thiếu nhi. Theo phương pháp hàng đội, việc huấn luyện đội trưởng nên theo tiến trình sau:

I.THÀNH LẬP ĐỘI KIỂU MẪU: Đội kiểu mẫu là đội gồm những em được chọn lựa trước để huấn luyện mai sau làm đội trưởng hoặc đội phó.

1) Chọn lựa:

Việc chọn lựa có thể tiến hành theo 3 cách. Thực tế đã cho thấy mỗi cách đều có ưu và khuyết điểm riêng. Nhưng không nên cực đoan, đặt nặng về hình thức hay mô hình tổ chức: phải là cách này hoặc cách khác. Vấn đề cần quan tâm là tùy hoàn cảnh từng nơi, từng thời điểm để chọn lựa cách huấn luyện sao cho có hiệu quả giáo dục và hiệu quả tổ chức.

* Chọn các em trong số các thiếu nhi đang học giáo lý: Ở nơi có các em đang học giáo lý nhưng chưa được tổ chức đội ngũ: (mỗi souer hoặc mỗi giáo lý viện phụ trách một nhóm khoảng ba bốn chục em. Hoặc chọn các em đang làm đội trưởng nhưng chưa được huấn luyện: Các em đã được chia đội, nhưng đội trưởng chưa thể làm việc đúng chức năng.

* Đưa các em hơn hẳn một ngành hoặc chính các dự trưởng hoặc huynh trưởng vào làm đội trưởng.

2) Tiêu chuẩn chọn lựa:

Cần chọn những em có các phẩm chất sau:

* Vóc dáng, tuổi: Ít nhất bằng hoặc lớn hơn một chút so với các em trong đội.

* Đạo đức: Siêng năng đi lễ, học giáo lý, vâng lời…

* Trí tuệ: Có trí thông minh từ trung bình trở nên: Để xác định tiêu chuan này có thể căn cứ vào thành tích học tập ở trường học phổ thông và thành tích hoc giáo lý.

* Năng khiếu: có tư chất, tiềm năng lãnh đạo. Có khả năng tự nhiên được các bạn tín nhiệm, đi theo, làm theo, nghe lời.

* Hoàn cảnh gia đình: Cha mẹ, anh chị em đạo đức, thuận hòa. Bầu khí gia đình bảo đảm về nền tảng giáo dục ban đầu của em. Nền tảng này rất quan trọng và cần thiết cho việc hình thành nhân cách cách và tiền đồ của các em sau này. (Vẫn có ít trường hợp đặc biệt các em tốt xuất thân từ gia đình không có bầu khi thuận lợi)

* Giao tiếp xã hội: Có thành tích giao tiếp tốt, có bạn tốt. Các em có khả năng hội nhập tập thể, có tiềm năng thu hút người khác. Trái lại trẻ em cô độc hay gay gỗ là dấu chỉ của một trẻ em có tâm lý không bình thường, không có tư chất chỉ huy.

II.- HUẤN LUYỆN.

  • Nội dung huấn luyện:

+ Đội Trưởng Ấu

  1. Hiệu lệnh tập họp: Khẩu hiệu; Thủ hiệu
  2. Các thế đứng: nghỉ, nghiêm trong nghiêm tập TNTT
  3. Đổi thế đứng; đứng – ngồi trong nghiêm tập TNTT
  4. So hàng dọc; hàng ngang; vòng tròn; bán nguyệt (có cờ và không có cờ)
  5. Cách chào TNTT (có cờ và không có cờ) – Ý nghĩa cách chào
  6. Đội tập họp trong đoàn: hàng dọc; ngang; tròn; chữ U (có cờ và không có cờ)
  7. Trình diện cá nhân – Trình diện đội (có cờ và không có cờ)
  8. Đội tham dự nghi thức chào cờ chung của đoàn
  9. Di hành đội (có cờ)
  10. Tổ chức đội – các chức vụ
  11. Nhiệm vụ của Đội Trưởng – Đội Phó – Thư Ký Đội – Thủ Quỹ Đội …
  12. Thiếu Nhi Tân Hành Ca
  13. Bài ca ngành
  14. Cờ đội – Tên đội – Bài ca đội
  15. Kinh đội trưởng
  16. Lời nguyện tông đồ
  17. Thánh bổn mạng đội – Tiểu sử thánh bổn mạng – ngày lễ kính
  18. Họp đội
  19. Nút dây – morse
  20. Trò chơi đội
  21. Cách làm Hoa Thiêng cá nhân – đội

+ Đội Trưởng Thiếu

  1. Sổ sách đội
  2. Họp đội
  3. Đội làm công tác
  4. Thi đua trong đội
  5. Dựng lều
  6. Dấu đường – quốc ngữ điện tín
  7. Đội thi đua trong chi đoàn, phân đoàn, đoàn

+ Đội Trưởng Nghĩa

  1. Đội xuất du, dã ngoại, vào sa mạc
  2. Đội tham gia công tác cộng đồng
  3. Đội tham gia công tác từ thiện, bác ái
  4. Gửi và nhận morse – mật thư dấu đường
  5. Dựng – trang trí lều
  6. Đội vào sa mạc
  7. Đội tham gia hành trình sa mạc
  8. Bếp truyền thống – Nấu ăn ngoài trời
  • Các Bước Huấn Luyện :

+ Những em được chọn trong mỗi chi đoàn họp thành một đội, do các trưởng chi đoàn phụ trách, gồm đội trưởng và đội phó : Đội Kiểu Mẫu

+ Đội kiểu mẫu họp mỗi tuần một lần. Sinh hoạt như một đội mà chi đoàn trưởng là đội trưởng

+ Nội dung học như nêu trên (Phần II)

+ Ngoài giờ sinh hoạt đội kiểu mẫu, các em vẫn sinh hoạt với đội của em như bình thường.

+ Sau thời gian huấn luyện, các chi đoàn trưởng báo cáo đoàn trưởng để được thẩm định đạo đức, tư cách, khả năng

+ Những em đủ điều kiện sẽ được chuẩn bị trao quyền chỉ huy đội và tuyên hứa làm đội trưởng.

+ Sau khi nhận quyền chỉ huy đội và tuyên hứa, các em vẫn sinh hoạt đội kiểu mẫu để thường xuyên bồi dưỡng, và học thực hành.

+ Nội dung buổi họp đội kiểu mẫu : Đội trưởng Đội Kiểu Mẫu điều khiển. Thủ tục như họp đội (xem họp đội, chi đoàn trong TLHLHT cấp I, 2005) ; Nội dung gồm :

– Học bồi dưỡng, ôn tập kiến thức và kỹ năng đội trưởng

– Học trước các đề tài mà các em trong đội sẽ học vào tuần tới

– Báo cáo tình hình cá đội, rút kinh nghiệm và điều chỉnh giúp các đội trưởng làm tốt hơn

– Giao công tác cho các đội nếu có

  • Cách Huấn Luyên Chung :

– Huynh trưởng (đội trưởng đội kiểu mẫu) đồng hành với các đội sinh (đội trưởng thiếu nhi)

– Quan sát các đội sinh hoạt và hội họp. Nhất là đội trưởng, đội phó. Ghi nhận (bằng trí nhớ hoặc bằng sổ tay) những điều đúng để khích lệ và phát triển ; những điều sai để uốn nắn, điều chỉnh trong các buổi họp đội kiểu mẫu

Các đội trưởng thiếu nhi tiến bộ tới đâu, Đội trưởng đội kiểu mẫu trao thêm nhiệm vụ tới đó. Tránh để các em nhàm chán với công việc đơn điệu ; tránh chất quá nặng trên vai các em khiến các em căng thẳng, nảy sinh tâm trạng sợ việc

Theo sát, hướng dẫn, nhưng không sửa sai hoặc khiển trách đội trưởng trước mặt đội sinh của các em. Nếu có cơ hội nên biểu dương các em giúp các em tự tin hơn

Tạo cơ hội cho các em thể hiện khả năng giúp các em cầu tiến. Thí dụ : Khi các em thi hành công tác, kết quả có thể không bằng các trưởng làm, nhưng không có sai trái đáng tiếc, Trưởng cứ để các em làm và bằng lòng với kết quả khiêm tốn các em đã đạt được. Để rồi sau đó giúp các em nhìn ra khuyết điểm và sửa chữa để lần sau làm tốt hơn. Đó là tiến trình trưởng thành của các em. Trưởng không nên cầu toàn, sinh ra bao biện, ngăn cản tiến trình trưởng thành của các em, khiến các em « thất nghiệp », chán nản, mất tự tin và buông xuôi.

Sinh hoạt đội kiểu mẫu phải là sinh hoạt chuẩn để các em học tập về làm cho đội mình. (Bài học, nghi thức, đồng phục, nghiêm tập …)

Ngoài những nguyên tắc chung về điều hành và tổ chức, huynh trưởng lắng nghe, quan sát và trợ giúp từng đội trưởng với từng tình huống đặc thù của đội.

  • Cách Huấn Luyên Đặc Biệt Theo Tình Hình Riêng Của Mỗi Nơi.

– Khi đoàn có đoàn sinh, mà đội trưởng còn quá yếu, trong thời gian chờ đợi huấn luyện, có thể tạm chọn các em ở trên một ngành hoặc chọn các dự truởng, hoặc chính các trưởng của chi đoàn làm đội trưởng.

– Nhưng sau đó, khi các em đã đượchuấn luyện, phải để các em cùng ngành, cùng lứa tuổi làm đội trưởng để giúp các em phát triển tinh thần đồng đội, tinh thần trách nhiệm, tự đào luyện bản thân.

– Bất cứ trong trường hợp nào Huynh trưởng vẫn là người anh, người cố vấn sẵn sàng chỉ bảo, giúp đỡ, chia sẻ và đồng hành với các em trong tiến trình giáo dục.

Không ai có thể cho người khác cái mà mình không có. Ban đã từng là đội trưởng ? chi đoàn trưởng ? đoàn trưởng ?

– ĐÃ RÔI ! Đó là một trong những yếu tố cần để bạn có thể huấn luyện các đội trưởng của bạn.

– CHƯA ! Đừng lo, bạn vẫn có thể nếu bạn cố gắng tìm hiểu, nghiên cứu, quan sát, thực tập trước khi huấn luyện người khác. Với trình độ và nhiệt tình của bạn, dù ở trường hợp nào, bạn cũng có thể BIẾT LÀM nếu bạn MUỐN LÀM và DÁM LÀM.

Bài viết: Trưởng FX. Trần Ngọc Lợi

Hình ảnh: Ban Giáo Lý GP. Phát Diệm

Đăng một bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật.


*