Bài giảng Chúa nhật Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống | Ban Giáo lý và Mục vụ Thiếu Nhi Phát Diệm
Tin mới nhất:

Bài giảng Chúa nhật Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống

CHÚA NHẬT LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG

Kính thưa cộng đoàn Phụng vụ.

Chúng ta thường nói rằng, thời đại này là thời đại của Chúa Thánh Thần. Nhưng, thử hỏi mấy ai trong chúng ta thường nhớ đến Người và cầu nguyện với Người. Có nhà thần học đã từng nói rằng, chúng ta lãng quên Chúa Thánh Thần không phải vì Người ở xa, nhưng vì Người ở quá gần chúng ta. Người được ví quan trọng và cần thiết như không khí mà chúng ta hít thở mỗi giây phút, nhưng ít khi chúng ta để ý đến. Hôm nay là ngày đại lễ mừng Chúa Thánh Thần hiện xuống, thiết tưởng đây là dịp thuận lợi để chúng ta khám phá lại dung mạo của Người. Người là ai? Vai trò của Người như thế nào trong đời sống của chúng ta? Chúng ta phải có thái độ nào đối với Người? Lời Chúa trong các bài đọc hôm nay sẽ cho chúng ta câu trả lời.

  1. Chúa Thánh Thần là Đấng nào?

Trước hết, trong giáo lý Hội Thánh Công giáo đã định nghĩa: Chúa Thánh Thần là Ngôi Ba Thiên Chúa. Người bởi Chúa Cha và Chúa Con mà ra. Người là Thiên Chúa thật, cùng uy quyền và vinh quang như Chúa Cha và Chúa Con. Người đã có từ trước muôn đời. Trong suốt dòng lịch sử cứu độ, Chúa Thánh Thần luôn cùng hoạt động với Chúa Cha và Chúa Con từ khời đầu công trình sáng tạo cho đến lúc hoàn tất chương trình cứu độ nhân loại. Trong kinh Tin Kính mà chúng ta thường đọc trong các ngày lễ Chúa nhật, Giáo hội cũng đã tuyên xưng rằng: “Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống;Người bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra;Người được phụng thờ và tôn vinh cùng với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con”. Tóm lại, Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa,  là một ngôi vị riêng biệt, luôn kết hiệp với Ngôi Cha và Ngôi Con trong một tình yêu. Người có cùng uy quyền và vinh quang như Chúa Cha và Chúa Con.

Thứ đến, Chúa Thánh Thần chính là quà tặng của Thiên Chúa ban cho con người. Người là Tình yêu phát xuất từ mối tương quan giữa Chúa Cha và Chúa Con. Tình Yêu này được Thiên Chúa ban cho chúng ta: “Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta” (Rm 5,5).  Chính trong tình yêu là Chúa Thánh Thần, chúng ta được kết hợp nên một với Thiên Chúa, trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô và trở nên nghĩa tử của Chúa Cha: “Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên “Abba! Cha ơi!” (Rm 8, 15).

Sau nữa, Chúa Thánh Thần là Thần Khí của Đức Kitô. Đức Kitô là Đấng mang đầy Thần Khí. Sau khi Phục sinh vinh hiển, Ngài đã ban Thần Khí cho các Tông đồ và Giáo hội. Trong bài Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe, thánh Gioan đã thuật lại rằng: “Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do Thái. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: Bình an cho anh em! Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20,19-20). Chúa Thánh Thần chính là ân huệ của Đấng Phục Sinh, và là nguồn sức mạnh nối kết muôn dân và các tín hữu nên một trong cùng một phép Rửa và một niềm tin vào Đức Giêsu Kitô, như lời thánh Phaolô trong bài đọc hai: ” Không ai có thể nói: “Đức Giêsu là Chúa” mà lại không do Thánh Thần“(1Cr 12, 3b).

Như thế, Chúa Thánh Thần là Ngôi Ba Thiên Chúa, là quà tặng của Thiên Chúa ban cho con người và là Thần Khí của Đức Kitô Phục sinh. Vậy, Người có vai trò nào đối với đời sống của Giáo hội?

  1. Vai trò của Chúa Thánh Thần

Quả thật, vai trò của Chúa Thánh Thần trong đời sống của Giáo hội rất phong phú và đa dạng. Ngài đóng vai trò như là Đấng Bào Chữa, Đấng An Ủi, Thần Chân Lý …vv. Lời Chúa trong các bài đọc hôm nay đưa ra cho chúng ta thấy hai vai trò khác của Chúa Thánh Thần là Đấng đổi mới và là Đấng hiệp nhất.

Thứ nhất, Chúa Thánh Thần là Đấng đổi mới mọi sự. Lời Chúa trong bài đọc I chỉ ra rằng: khi được lãnh nhận sức mạnh của Chúa Thánh Thần, các Tông đồ đã được đổi mới hoàn toàn: “Ai nấy được đầy tràn ơn Chúa Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho” (Cv 2, 4).  Được sức lay động và đầy lửa Thánh Thần, các Tông đồ cùng lên tiếng cao rao những kỳ công của Thiên Chúa. Thánh Phêrô, lòng đầy Thánh Thần, đã hùng hồn thuyết giảng về Đức Giêsu chịu Thương khó và Phục sinh. Có ba ngàn người xin được rửa tội. Tác động của Chúa Thánh Thần trên Giáo Hội thật mãnh liệt: chỉ một nhóm Tông đồ nhỏ, sợ hãi, co cụm, hoang mang, lúc nào cũng cửa đóng then cài, thế mà giờ đây khi được tràn đầy Thánh Thần,  các ngài đã trở nên mạnh mẽ phi thường, hiên ngang, can trường làm chứng và loan báo Tin mừng Phục sinh. Các ngài được trang bị bằng quyền năng Chúa Thánh Thần để bẻ gẫy sức mạnh của sự dữ, tội lỗi: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ” (Ga20, 23).

Thứ hai, Chúa Thánh Thần là Đấng hiệp nhất mọi sự nên một. Thật vậy, trong bài đọc I, trích sách Tông đồ Công vụ cho chúng ta thấy, Chúa Thánh Thần là nguyên lý hiệp nhất của Giáo Hội. Người tập hợp tất cả các dân tộc khác nhau về màu da, ngôn ngữ, quốc gia trong một Thân Thể duy nhất của Đức Kitô. Cũng vậy, thánh Phaolô, trong bài đọc II một lần nữa nhấn mạnh đến vài trò hiệp nhất của Chúa Thánh Thần trong Giáo hội: “ Tất cả chúng ta, dầu là Do thái hay Hy lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất” (1Cr 12, 13).

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ. Qua việc tìm hiểu vừa rồi,  một phần nào đó giúp chúng ta nhớ và khám phá lại dung mạo và vai trò của Chúa Thánh Thần. Vậy, chúng ta phải có thái độ nào đối với Người?

  1. Thái độ của chúng ta đối với Chúa Thánh Thần

Chúa Thánh Thần luôn hiện diện trong đời sống của chúng ta. Chính Đức Giêsu đã hứa: “Thầy sẽ cầu xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác để Đấng ấy ở với anh em mãi mãi” (Ga14, 16). Vì vậy, chúng ta phải có một niềm tin vững chắc vào Chúa Thánh Thần; tin vào sự hiện diện của Người ở khắp mọi nơi, nhất là trong tâm hồn của chúng ta, tin vào những hoạt động nhiệm mầu và kỳ diệu của Người trong linh hồn chúng ta. Tiếng nói lương tâm chính là Tiếng nói của Người.

Không chỉ đặt niềm tin tưởng tuyệt đối vào Chúa Thánh Thần, chúng ta còn phải yêu mến Người và luôn cầu xin Người ngự đến tâm hồn để hướng dẫn, soi sáng cho chúng ta biết cần phải làm gì. Yêu mến Chúa Thánh Thần là tránh không làm buồn lòng Người. Có lẽ, điều làm Chúa Thánh Thần  buồn nhất là tội lỗi, là khinh dể, dửng dưng, cứng lòng, giả điếc làm ngơ trước lời mời gọi của Người; lạm dụng hay chống lại ơn thánh Người ban qua việc truyền bá những tư tưởng sai lệch, chống lại sự hiệp nhất của Giáo hội, đi ngược với đức tin tông truyền.

Hơn nữa, yêu mến Chúa Thánh Thần thể hiện qua việc  mở lòng đón nhận ân huệ và để  Người đổi mới con người của chúng ta. Thật vậy, Chúa Thánh Thần không đến để làm thay, làm dùm mà là hướng dẫn, khuyến khích, tác động tâm chúng ta, để chúng ta trở nên tạo vât mới theo khuôn mẫu Đức Kitô đã vạch ra trong cuộc đời rao giảng của Ngài nơi trần thế. Đồng thời, yêu mến Chúa Thánh Thần được thể hiện qua việc dấn thân phục vụ, xây dựng tình hiệp nhất trong Giáo hội, giáo xứ, hội đoàn và ngay trong chính gia đình của mình. Bởi, chính Người là nguyên lý của sự hiệp nhất.

Mừng lễ Chúa Thánh Thần, Giáo Hội nhắc nhở chúng ta vai trò quan trọng của Chúa Thánh Thần trong cuộc sống từng người chúng ta, và mời gọi chúng ta cùng cộng tác với Người để đổi mới chính mình, đổi mới cuộc sống của mình, để cuộc đời chúng ta trở thành chứng tá cho Thiên Chúa tình yêu. Chúng ta phải dùng chính cuộc sống tốt lành của mình để làm chứng cho Thiên Chúa và xây dựng Giáo hội của Chúa luôn hiệp nhất và để xác quyết rằng : Chúa Thánh đang hành động trong trần gian và trong chính tâm hồn mỗi người chúng ta.

Ant. Văn Phong

 

Đăng một bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật.


*