Bài giảng CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH NĂM C
BÀI GIẢNG CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH NĂM C
Cv 15, 1-2.22-29; Kh 21, 10-14.22-23; Ga 14, 23-29
BÌNH AN CỦA CHÚA GIÊSU PHỤC SINH
***
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,
Tin Mừng theo thánh Gioan hôm nay nói về những lời trấn an của Chúa Giêsu trước sự hoang mang, lo sợ của các môn đệ khi Ngài từ biệt các ông đi chịu chết. Trong bối cảnh phụng vụ Chúa nhật VI phục sinh hôm nay, Chúa nhật áp lễ mừng Chúa Giêsu về trời, Giáo Hội muốn cho chúng ta hiểu rằng: Chúa Giêsu về trời không có nghĩa là Ngài sẽ xa cách chúng ta, nhưng Ngài vẫn hiện diện liên tục ở trần gian này bằng Thần Khí của Ngài. “Đấng Phù Trợ là Thánh Thần, mà Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, chính Người sẽ dạy các con mọi điều, và sẽ nhắc nhở cho các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con”. Rồi Chúa lại tiếp tục: “Thầy để lại bình an của Thầy cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy”. Và Chúa còn cẩn thận xác nhận: “Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian”. Ở đây có hai vấn đề chúng ta cần tìm hiểu: Sự bình an của Chúa là gì? Và sự bình an theo kiểu thế gian là gì?
Trước hết, bình an theo kiểu thế gian là một ai đó dựa trên sức mạnh của chính trị, vũ khí, kinh tế, hay thế lực nào đó đảm bảo cho ta có một địa vị, hay sự no đủ trong cuộc sống hàng ngày. Hay bình an của thế gian là đồng nghĩa với an phận, với trốn tránh, với thỏa hiệp, hay tự do hưởng thụ … Người bình an là người mạnh khỏe cả xác lẫn hồn. Cho nên chúc bình an là cầu mong cho người khác mạnh khỏe cả xác lẫn hồn. Bình an còn có nghĩa là sự sung mãn đầy đủ như ý mình muốn.
Sự bình an của Chúa đó là sự bình an của Chúa Thánh Thần. Đây là sự bình an lớn nhất và là sự bình an trong tương quan với Thiên Chúa. Sự bình an này là chính ơn cứu độ, sự thật, ánh sáng, sự sống, niềm vui. Dựa trên những lời Chúa Giêsu loan báo, dựa trên sự hiệp thông với Chúa Cha, với Chúa Con và sự hiện diện của Chúa Thánh Thần. Sự hiệp thông ấy đưa đến sự an toàn che chở, sự bình an.
Tuy nhiên, sự bình an này lại là thứ bình an giữa trăm chiều thử thách, bình an giữa một cuộc sống luôn có những bất ổn. Bình an đó chỉ có thể có được khi nó đặt trên nền tảng của xác tín rằng: đó chính là điều Chúa muốn cho tôi ở đây hôm nay. Như sự ra đi của Chúa Giêsu đã làm cho các môn đệ rơi vào tình trạng xao xuyến, lo lắng. Cái chết của Chúa Giêsu đã đặt các ông vào cuộc khủng hoảng đức tin. Những cơn bách hại khốc liệt trên bước đường loan báo Tin Mừng làm cho các ông khiếp sợ và tháo chạy. Nhưng Bình an của Chúa Phúc sinh đã củng cố niềm tin của các ông, các ông đón nhận được bình an và đã can đảm làm chứng cho Tin Mừng Phục Sinh.
Như thế, Bình an Chúa mang đến chỉ có thể có được bằng một giá đắt: nó đòi hỏi sự chiến đấu, chấp nhận mất mát, có khi cả mạng sống mình nữa. Thứ bình an bắt nguồn từ chính Ngài. Bình an trước hết là bình an với Chúa, là sống công chính trước mặt Ngài, là sống giới luật của Ngài, có Ngài trong đời sống của mình, Ngài làm chủ đời mình. Bình an đối với Chúa chính là sống tương quan với Ngài, tìm thánh ý Ngài để thực thi trong đời sống.
Bình an ở đây còn hiểu là bình an trong cộng đoàn, trong giáo họ, giáo xứ, trong gia đình mọi người sống yêu thương, làm hòa với nhau. Hơn bao giờ hết, chúng ta mong muốn bình an và kêu gọi xây dựng sự hoà thuận giữa người và người mà căn bản vẫn là từ trong tâm hồn mình. Mình có bình an thì mới có thể đem bình an cho người khác được. Sự bình an bắt đầu từ tâm hồn mình rồi mới lan tỏa tới người khác.
Bình an của Chúa chúng ta đón nhận được bằng việc tham dự cử hành phụng vụ và lãnh nhận các bí tích. Khi chúng ta tham dự thánh lễ, linh mục chủ tế nhiều lần cầu chúc bình an của Chúa ở cùng anh chị em, xin Chúa cho Hội Thánh được hiệp nhất và bình an…
Linh mục hoặc phó tế kêu mời cộng đoàn cầu chúc bình an cho nhau, và kết thúc thánh lễ linh mục hoặc phó tế cũng chúc anh chị em ra về bình an. Nhưng để được hưởng bình an của Chúa, chúng ta phải tích cực tham dự Thánh lễ cách ý thức vì như trong Tin Mừng hôm nay Chúa nói: “Ai yêu mến Thầy, thì giữ lời Thầy, Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại nơi người ấy” (Ga 14,23).
Quả thật giá trị Bình an của Chúa chỉ xảy đến cho ai tham dự Thánh lễ. Chúa nói tiếp: “Ai không mến Thầy, thì sẽ không giữ lời Thầy” (Ga 14,24a). Việc chúng ta tuôn giữ lời Chúa là dấu chỉ cho chúng ta biết, chúng ta yêu mến Chúa nhiều hay ít. Như vậy, chỉ những ai tham dự Thánh Lễ cách ý thức và trọn vẹn, họ mới đáng được hưởng phúc bình an của Chúa Giêsu Phục Sinh và chúng ta cũng luôn cần làm những gì có thể mang lại bình an cho mình và cho người khác. Hòa giải mọi mầm mống gây bất an. Nhất là tránh tội lỗi là thứ làm xáo trộn tâm hồn mình nhiều nhất. Chính tội lỗi ngăn cản chúng ta đón nhận bình an của Chúa.
Bài đọc một trích sách Công vụ Tông đồ cho chúng ta biết: Sự bất đồng xoay quanh vấn đề ‘có nên cắt bì hay không?’ nơi cộng đoàn Antiôkia cho thấy rằng sự bất ổn là điều không thể tránh khỏi trong đời sống cộng đoàn. Rất thường khi sự bất ổn đó còn thực sự trở nên gay gắt và có nguy cơ đưa cộng đoàn đi tới sự chia sẽ. Lý do nào giúp Giáo hội thời sơ khai vượt qua được cơn khủng hoảng này? Thưa: Đó là tất cả mọi người đã nhìn vấn đề bằng cùng một cái nhìn: suy nghĩ trong Thánh Thần, phát biểu trong Thánh Thần và quyết định trong Thánh Thần. Thành quả mà công đồng Giêrusalem đạt được không phải là ai thắng ai thua, mà là để cho thánh ý Thiên Chúa được thực hiện. Đây cũng là những nguyên tắc nền tảng giúp cho mỗi cộng đoàn Kitô hữu hôm nay vượt qua được những cơn khủng hoảng về đời sống đức tin. Dẫn đưa cộng đoàn đến nguồn bình an của Chúa.
Chúng ta có mẫu gương Mẹ Maria luôn luôn được ở trong bình an của Chúa, vì Mẹ luôn lắng nghe Lời Chúa và Mẹ đã mau mắn đáp lại tiếng xin vâng trong suốt cả cuộc đời. Trong tháng hoa này với tâm tình con thảo, chúng ta dâng lên Mẹ những đóa hoa yêu mến của chúng ta, với những việc làm bác ái, yêu thương. Và xin Mẹ chuyển cầu cùng Chúa cho chúng ta sống trong bình an của Chúa.
Lạy Chúa, Xin cho chúng con biết sống liên kết với Chúa, nhận ra thánh ý Chúa, thực thi điều Chúa dạy. Nhờ đó, chúng con được bình an trong Chúa và xin cho chúng con cũng biết trao ban bình an của Chúa cho người khác. Amen.
Phó tế: Gioan Nguyễn Văn Nghĩa
Đăng một bình luận