Bài giảng Chúa nhật XIII TN A: Lòng quảng đại luôn được đáp đền quá điều dám ước mơ | Ban Giáo lý và Mục vụ Thiếu Nhi Phát Diệm
Tin mới nhất:

Bài giảng Chúa nhật XIII TN A: Lòng quảng đại luôn được đáp đền quá điều dám ước mơ

CN 13 TN (A)

Chủ đề :     Lòng quảng đại luôn được đáp đền quá điều dám ước mơ.

Kính thưa quý cố ông bà và anh chị em,

Đời sống cộng đồng luôn cần và rất cần lòng quảng đại. Nó tạo nên tình liên đới hiệp thông, giúp phát triển bền vững về mọi phương diện, nhất là với những thành phần xã hội dễ bị tổn thương nhất.

Đại dịch Covid-19 vừa qua ghi nhận muôn vàn những tấm lòng quảng đại vì người nghèo, với những cách thức sẻ chia phong phú và hiệu quả : từ việc quyên góp tài chánh cho tuyến đầu chống dịch, phần cơm miễn phí, siêu thị không đồng, đến những cây ATM thông minh nhả gạo cho người có nhu cầu. Tất cả, tất cả vì sự sống và hạnh phúc của con người.

Tấm lòng quảng đại đã chạm vào con tim nhân loại, và hơn thế, thấu tận trời cao. Cha trên trời sẽ rất vui, rất muốn nhân rộng mô hình này, Ngài sẵn lòng chúc phúc cho những nghĩa cử cao đẹp con người dành cho nhau.

Họ đói, chúng con hãy cho họ ăn phải là châm ngôn hành động của người môn đệ Giê-su.

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay trình bày lòng quảng đại và hiệu quả khôn lường được ban tặng cho những ai đã hết lòng vì anh chị em mình.

Bài đọc I, trích sánh Các Vua quyển thứ II, đề cập lòng hiếu khách, của một gia đình người địa phương ở Su-nem, dành cho người của Thiên Chúa. Ngôn sứ Elisa mỗi khi qua đây, đều ghé thăm gia đình ông bà, họ đã trở nên bạn nghĩa thiết của nhau.

Tác giả đoạn sách thánh đặc biệt tế nhị quảng diễn tấm lòng của gia chủ : phục vụ, sẻ chia vì lợi ích của chính đương sự, vì sự kính trọng đối với người của Thiên Chúa, không mảy may giả hình, ồn ào, vụ lợi như những kẻ cơ hội nhản nhản giữa “chốn chợ đời”. Họ bàn nhau hành động trong riêng tư, âm thầm, bà ấy nói với chồng : Mình phải làm cho ông một căn phòng riêng, có tiện nghi tối thiểu, khi nào đến nhà mình, ông sẽ lưu lại tại đó.

Khi trình bày những điều này, tác giả sách thánh muốn tôn vinh cặp đôi hoàn hảo người Su-nem : tâm đầu, ý hợp, cùng nhau hành động vì một tình yêu lớn hơn. Rõ là : “Thuận vợ, thuận chồng tát bể Đông cũng cạn” (ca dao) là đây, đâu cần phải tìm kiếm ở nơi nào khác.

Lòng quảng đại của họ sánh tày tấm lòng Abraham, tổ phụ chúng ta trong đức tin, và hơn thế, sánh ví tấm lòng Con Một Thiên Chúa làm người, đến để phục vụ và hiến mạng sống làm giá cứu chuộc muôn người.

Đặc biệt, tác giả sách thánh cống hiến độc giả một cái kết có hậu, cái kết tuyệt vời : Abraham và vợ chồng người Su-nem đều nhận được phần thưởng đáng kinh ngạc, vượt quá điều dám ước mơ, đến nỗi, khi được nghe loan báo sẽ có con, họ đã bật cười (Sara) và coi đó như một sự lừa dối (người đàn bà Su-nem), vì cả hai đều đã già nua tuổi tác.

Thưa anh chị em,

Lời hứa “phong nhiêu”, thời Cựu Ước, đặt nền tảng trên những thiện hảo vật chất, được thay thế bằng những ân huệ cao siêu trên trời trong Đức Kitô, nghĩa là, người thụ hưởng được tháp nhập vào thân mình mầu nhiệm Chúa, để được sống đời đời. Sự sống này vốn là ân huệ của trời, vượt quá tất cả những gì lòng người dám ước mơ. Chính vì thế, Chúa đòi người môn đệ phải biểu lộ lòng trung tín, quảng đại theo cách thức Thiên Chúa, chứ không phải theo cung cách phàm nhân.

Bài Phúc Âm, vừa tuyên đọc, diễn tả thực tại “cho và nhận” theo một “biện chứng” gây sốc cho người nghe : Không được yêu mến cha mẹ, con cái hơn Thầy. Ai cố giữ mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ giữ được nó cho sự sống muôn đời.

Dầu vậy, cũng không phải là những đòi hỏi phi nhân bản. Chúa không ép chúng ta vào đường cùng, vào cõi chết. Người muốn chúng ta đặt lòng quảng đại, tín trung đúng vị trí, theo bậc thang giá trị khách quan : phải quảng đại, tín trung, vâng lời Thiên Chúa, hơn là vâng lời người phàm. Dù là vua chúa, cha mẹ hay bất cứ ai, bất cứ vật trí tri nào : trên trời, dưới đất cũng không thể sánh tày thượng đế Chúa ta.

Nếu Chúa đòi phải “yêu mến Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức lực” (x. Dnl 6, 4 – 9), thì lòng quảng đại dành cho Ngài cũng phải tuyệt đối và trên hết, mới phải đạo kẻ làm con và sinh ơn cứu độ.

Đàng khác, đón nhận giáo huấn của Chúa về lòng quảng đại : chỉ cần một nghĩa cử yêu thương, sẻ chia nhằm thăng tiến nhân loại, Chúa cũng sẽ ân thưởng xứng với việc mình làm : “Ai cho một trong những kẻ bé mọn này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ Thầy, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu” (Mt 10, 42).

Thánh Phao-lô, trong bài đọc II, chỉ cách thức thực thi lòng quảng đại kitô giáo là sự kết hợp mật thiết với Chúa Giê-su. Một sự kết hợp nhiệm mầu, làm cho người môn đệ trở nên đồng hình, đồng dạng, đạt tầm vóc viên mãn Giê-su, nên có khả năng thực thi lòng quảng đại theo phong cách Thiên Chúa.

Đối với Phao-lô, sự chết và sự phục sinh của Đức Giê-su dìm chúng ta vào trong sự chết và lôi kéo chúng ta vào sự Phục Sinh của Người. Bởi thế, một khi Đức Kitô đã sống lại từ cõi chết, thì không bao giờ Người chết nữa, cái chết chẳng còn quyền chi đối với Người. Anh chị em cũng vậy, hãy coi mình như đã chết đối với tội lỗi, nhưng nay được sống lại trong Đức Kitô (cf. Rom 6, 3 – 4. 8 – 11).

Thực ra, khi viết những điều này, Phao-lô muốn đồng hóa hành động của Chúa Giê-su với hành động của người mang tên Chúa : cả hai chỉ là một, đều là hành vi mang sự sống và ban tặng sự sống cho trần gian.

Như vậy, nhờ kết hợp mật thiết với Chúa Giê-su, trong sự chết và sự phục sinh của Người, chúng ta được Chúa gạn đục, khởi trong, luyện lọc thành dân riêng của Người, một dân tộc nhiệt tâm làm việc thiện (Tt 2, 11-14).

Thưa anh chị em,

Làm thế nào để sống đẹp, sống tốt lòng quảng đại theo Tin Mừng ?

*Thứ nhất : Luôn ý thức mình là kitô hữu, là người được Thiên Chúa tuyển chọn và yêu thương, nên sống quảng đại là trách nhiệm. Mặc lấy những tâm tình từ bi, nhân hậu, dịu dàng, biết chạnh thương những ai cầu khẩn lòng thương xót : “Những gì các con làm cho những kẻ bé mọn nhất trong các anh em của Ta, là các con làm cho chính Ta” (Mt 25, 40).

*Thứ hai : Sống quảng đại là biết yêu thương, tha thứ thật lòng. Gia đình anh chị em phải là tổ ấm yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Nếu người này có chuyện phải oán trách người kia, như Chúa đã tha thứ, anh chị em cũng phải tha thứ cho nhau. Yêu thương và tha thứ thật lòng là mảnh đất tiềm năng đầu tư cho lòng quảng đại theo phong cách Giê-su.

Ước gì, Lời Chúa hôm nay nên ngọn đuốc bừng lên trong tâm trí và trong hành động, giúp chúng ta trở thành tông đồ của lòng quảng đại yêu thương, góp phần làm cho danh Cha vinh hiển, cho nước Cha trị đến. Amen.

Lm. Giuse Phạm Ngọc Khuê

Nguồn:phatdiem.org

Đăng một bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật.


*