Bài giảng lễ CHÚA NHẬT V PHỤC SINH NĂM C | Ban Giáo lý và Mục vụ Thiếu Nhi Phát Diệm
Tin mới nhất:

Bài giảng lễ CHÚA NHẬT V PHỤC SINH NĂM C

CHÚA NHẬT V PHỤC SINH NĂM C

Ga 13, 31-35

YÊU THƯƠNG NHƯ THẦY ĐÃ YÊU THƯƠNG

***

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,

Tin Mừng hôm nay thuật lại trong khung cảnh bữa tiệc ly, Chúa Giêsu từ biệt các môn đệ về với Chúa Cha và Ngài đã truyền lại cho các ông một điều răn mới: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”.

Sau khi Giuda đi ra khỏi phòng tiệc, chỉ còn những người thân tín nhất của Chúa Giêsu. Người tâm sự về lẽ sống của Người. Người sống hết mình cho Chúa Cha và cũng hết mình cho các môn đệ. Chúng ta nhận thấy Chúa Giêsu là mẫu gương người mục tử tốt lành. Ngài hoàn toàn yêu mến Chúa Cha, thực thi thánh ý Chúa Cha và yêu thương loài người chúng ta.

Đức Giêsu đã làm chứng về tình yêu của Ngài khi Ngài cúi xuống rửa chân cho các môn đệ và ra đi chịu chết vì yêu mến Thiên Chúa Cha và yêu thương, cứu độ chúng ta. Điều trong trình thuật rửa chân được giới thiệu như một việc phục vụ hiến thân hoàn toàn, không hạn chế. Tình yêu Chúa Giêsu dành cho chúng ta là tình yêu thần linh, không chỉ vì Ngài là Thiên Chúa, vì Ngài yêu chúng ta như là tạo vật mà là Con Thiên Chúa  (x. Ga 17,6.9.10); nhưng còn vì Ngài diễn tả theo tình yêu Chúa Cha dành cho Ngài:

“Như Cha yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy ” (Ga 15,9). Yêu thương như Chúa yêu là hy sinh mạng sống vì chúng ta. “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người hy sinh mạng sống vì người mình yêu”.

Đức Giêsu hiện diện trong các môn đệ như là tình yêu, Người yêu thương trong các ông. Người không chỉ ban cho các ông một lời vàng ngọc để tuân giữ, nhưng Người còn ban chính mình. Với việc ban điều răn mới, Đức Giêsu còn ban sự hiện diện của Người nơi bí tích Thánh Thể.

“Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau”. Điều răn của Chúa Giêsu được gọi là điều răn mới vì nó diễn tả tình yêu của Ngài, cũng là tình yêu của Thiên Chúa được thể hiện nơi Chúa Giêsu. Tình yêu đó đổi mới chúng ta, biến chúng ta thành những con người mới. Nhờ vậy, chúng ta yêu thương nhau không phải là tình yêu vụ lợi mà yêu thương nhau ở đây đòi hỏi một mức độ cao hơn là vì họ được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, là anh em, là con của cùng một Cha.

Chúng ta thực hiện được điều răn mới của Chúa đúng nghĩa là yêu thương nhau bằng tình yêu mà chính Đức Giêsu đã yêu thương chúng ta. Ngài yêu vô vị lợi, khiêm tốn, hạ mình, không phải vì ta thánh thiện tốt đẹp…

Chúng ta cần phân biệt lòng thương cảm tự nhiên khác xa tình yêu người anh em siêu nhiên mà chúng ta phải có. Yêu thương họ vì họ, trong môi trường và điều kiện sống mà họ đang sống, không ngăn cản việc yêu thương họ trong Thiên Chúa và trong Đức Kitô. Và ngược lại, yêu thương họ như thế không giảm bớt lòng kính trọng và tình cảm tự nhiên. Yêu cách siêu nhiên không có nghĩa là yêu cách một cách hình thức, nhưng là yêu người khác hết lòng, không phải vì họ dễ thương, xinh đẹp, tốt lành, hay họ mạng lại lợi lộc vật chât cho mình… nhưng là vì họ là hiện thân của Thiên Chúa, là chi thể quí giá của Chúa Giêsu.

 Kính thưa cộng đoàn, tình bác ái huynh đệ phải tạo ra giữa cộng đoàn mối hiệp nhất theo gương Thiên Chúa: “Để hết thảy chúng được nên một như, Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, ngõ hầu chúng ở trong chúng ta(Ga 17, 21). Trong bài diễn từ trên núi Chúa Giêsu tóm tắt toàn bộ lý tưởng Kitô hữu: “Các ngươi hãy nên trọn lành như Cha các ngươi trên trời là Đấng trọn lành” (Mt 5, 48). Bài Tin Mừng này cũng nói yêu kẻ thù là dấu chỉ phân biệt để nhận biết người Kitô hữu (x. Mt 5, 46-48). Để yêu người như Chúa Giêsu muốn, phải yêu Thiên Chúa trên hết mọi sự, và tình yêu tha nhân như chính mình (x. Mt 22,39).

“Chính nơi điều này mà mọi người sẽ nhận ra là anh em là môn đệ Thầy: ấy là anh em có lòng yêu thương nhau”. Bác ái giữa người Kitô hữu với nhau phải hiện thực và rõ ràng đến nỗi tự nó cho thấy họ là môn đệ Chúa Giêsu, ngay cả đến những người không biết gì về Kitô giáo.

Mỗi người Kitô hữu chúng ta cũng cần biết sống theo mẫu gương yêu thương của Chúa Giêsu thực thi chương trình của Thiên Chúa trong cuộc đời chúng ta. Khi yêu thương, chúng ta bảy tỏ Thiên Chúa ra cho người khác. Khi chúng ta không yêu thương, chúng ta đã làm biến dạng gương mặt của Chúa Giêsu và của Thiên Chúa.

Trong thế giới hôm nay, nhiều người sống vô cảm, ích kỷ, bạo tàn, ham mê tiền bạc, bóc lột người nghèo… người Kitô hữu phải làm chứng về tình yêu đối với tha nhân, niềm cảm thông với người cùng khổ, lòng dịu dàng và tha thứ cho kẻ nghịch thù. Nếu làm như vậy, Kitô hữu sẽ nổi bật lên giữa bao người khác trong xã hội hôm nay. Một khi cảm nghiệm cách cụ thể tình yêu đó, thiên hạ sẽ nhận ra người Kitô hữu là môn đệ đích thật của Đức Kitô, sức nóng của tình yêu, họ sẽ được đưa dẫn về với Đức Kitô.

Như vậy, tình yêu thương của chúng ta với nhau không phải là một tình yêu lấy bản thân mình làm tiêu chuẩn, mà là chia sẻ tình yêu phát xuất từ Thiên Chúa. Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta, chúng ta cũng phải yêu thương nhau. Giới răn mới của Chúa được đồng hoá với tình yêu thương của Thiên Chúa đối với chúng ta. Như thế, nếu ai nói tôi yêu mến Chúa mà lại ghét anh em mình thì là kẻ nói dối. Ai yêu mến Chúa thì cũng yêu thương anh em mình. Chính vì thế mà yêu thương trở thành dấu chỉ của những người thuộc về Chúa, là môn đệ Chúa. “Với dấu này mà người ta nhận biết các con là môn đệ Thầy là các con hãy yêu thương nhau” .

Lạy Chúa, chúng con tạ ơn Chúa, vì Chúa đã yêu thương chúng con bằng chính cả đời sống của Chúa và đã hy sinh đến giọt máu cuối cùng để nuôi dưỡng chúng con. Xin cho chúng con cũng biết sống quảng đại yêu thương như Chúa đã yêu thương chúng con. Amen.

Phó tế: Gioan Nguyễn Văn Nghĩa

 

 

 

Đăng một bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật.


*