Cha mẹ trẻ giáo dục con cái
Cha mẹ trẻ giáo dục con cái
Lm. Giuse Đinh Quang Vinh và
Tu sĩ Carôlô Nguyễn Đình Thiện, OP.
WHĐ (9.7.2020) – Mỗi nghề nghiệp là một ơn gọi dựa trên quá trình đào luyện mang tính chuyên biệt, nhằm mục đích đáp ứng những nhu cầu khách quan và phục vụ cho người khác, đổi lại được đền đáp cách tương xứng mà nghề khác không có được.[1] Giáo dục là việc đào luyện “nghề làm người”[2], “nhằm dạy dỗ có hệ thống nhằm phát triển trí tuệ, tinh thần và thể chất của con người”[3]. Với các cha mẹ Công giáo, họ còn có bổn phận đào luyện con cái nên con cái Thiên Chúa và Hội Thánh. “Gia đình là nơi cha mẹ trở thành những thầy dạy đầu tiên về đức tin cho con cái. Đó là một bổn phận “cha truyền con nối”[4] , từ con người đến con người”. Công việc có tính cách “thủ công”, “gia truyền” này được thực hiện trực tiếp theo trật tự từ thế hệ đi trước cho thế hệ đi sau. Trong phạm vi gia đình, cha mẹ có bổn phận đào luyện nghề làm người và làm con Chúa cho con cái của mình. Tay nghề của cha mẹ càng cao thì hoa trái càng dồi dào. Đương nhiên cha mẹ có nhiệm vụ đồng hành cùng con cái suốt hành trình làm người nhưng những năm tháng đầu đời của con cái thật quan trọng để cha mẹ chu toàn phận sự quan trọng hàng đầu và không một ai hay một cái gì có thể thay thế được. Bài viết này muốn lưu ý một số điểm quan trọng trong việc giáo dục con cái dành riêng cho các cha mẹ trẻ.
I. TẦM QUAN TRỌNG CỦA GIÁO DỤC GIA ĐÌNH
Giáo dục là quá trình làm cho nhân cách được trưởng thành, mở rộng văn hóa và làm cho giá trị của con người được bồi bổ. Giáo dục gia đình là nền tảng cho mọi nền giáo dục và đào tạo con người. Bản chất và sứ mệnh giáo dục của gia đình, cách riêng vai trò của người mẹ không có gì có thể thay thế. Sứ mạng của cha mẹ bắt nguồn từ ơn gọi nguyên thủy khi tham gia vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Gia đình là một nơi giáo dục các giá trị cơ bản. Nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng của gia đình diễn ra chủ yếu qua việc giáo dục con em.[5]
Nhiệm vụ của giáo dục của cha mẹ Kitô giáo đến từ Bí Tích Hôn Phối và cách riêng từ chính quyền bính và tình yêu của Chúa Ba Ngôi.[6] Tự bản chất, cha mẹ thật sự là những nhà giáo dục đầu tiên và quan trọng nhất cho con cái họ về chiều kích đạo đức, và do đó trở thành cộng tác viên không thể thiếu của mọi lãnh vực giáo dục khác.[7] Thông qua giáo dục, các bậc cha mẹ giúp con cái của họ bước vào thế giới và gặp gỡ những người khác trong chân thiện mỹ.
Gia đình là không gian tự nhiên và văn hóa cho việc giáo dục con trẻ. Từ không gian này, con cái nhận được các quyền lợi, phẩm giá, ngôn ngữ, sự tôn trọng, cảm xúc, ý tưởng, óc phán đoán, năng khiếu, và nhiều loại kỹ năng sống từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Đối với các gia đình Công giáo, chiều kích thiết yếu của giáo dục là giáo dục đức tin vì nó là điều làm nên tất cả. Cha mẹ là những nhà giáo dục đức tin đầu tiên cho con cái[8], cách riêng là giáo dục cầu nguyện. Thật vậy, cầu nguyện vừa là sự biểu lộ đức tin, vừa là trường học đức tin. Thông qua lời cầu nguyện, đức tin được sống và truyền từ cha mẹ đến con cái. Điều quan trọng nhất là con cái thấy cha mẹ cầu nguyện.[9]
Khi nói về đức tin, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra một nhận định đáng lưu tâm: “Tình trạng đức tin và thực hành tôn giáo suy yếu trong một số xã hội đã ảnh hưởng đến các gia đình rất nhiều và càng đẩy các gia đình lâm vào tình trạng phải chơ vơ chống chọi với những khó khăn của mình. Cái nghèo lớn nhất trong số những cái nghèo của nền văn hóa hiện nay là sự cô đơn, kết quả của tình trạng vắng bóng Thiên Chúa trong đời sống con người và tình trạng mong manh của những mối quan hệ”[10].
Như đã nói ở phần mở đầu, nguyên tắc giáo dục đức tin được Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh như sau: “Gia đình là nơi cha mẹ trở thành những thầy dạy đầu tiên về đức tin cho con cái. Đó là một bổn phận “cha truyền con nối” , từ con người đến con người”. “Nghề làm người” của con cái phải được học cách thủ công, cách trực tiếp từ ông bà cha mẹ, từ đời nọ qua đời kia chứ không thể qua một trung gian nào. Cách thức ông bố Do thái dạy cho con mình về biến cố Vượt Qua là một bài học về cách giáo dục đức tin trong gia đình.[11]
Tông huấn giải thích bổn phận giáo dục đức tin của cha mẹ như sau: “Gia đình vẫn phải tiếp tục là nơi học biết những lí lẽ và vẻ đẹp của đức tin, để cầu nguyện và phục vụ tha nhân. Bắt đầu với Bí Tích Thánh Tẩy, việc nuôi dạy con cái của các bà mẹ là để “cộng tác vào sự sinh hạ thánh thiêng” … Cha mẹ là phương thế Thiên Chúa dùng để giúp cho đức tin của con cái được trưởng thành và phát triển”[12].
Thông truyền đức tin giả định rằng cha mẹ thực sự sống kinh nghiệm đức tin, tin tưởng vào Chúa, tìm kiếm Ngài, cần đến Ngài. Điều này đòi hỏi cha mẹ kêu xin Chúa hành động trong tâm hồn của con cái. Tuy không phải là chủ nhân của các tâm hồn nhưng nỗ lực sáng tạo của cha mẹ góp phần cộng tác với kế hoạch sáng tạo và cứu độ của Thiên Chúa. “Điều căn bản là con cái nhìn thấy tận mắt việc cầu nguyện thật sự quan trọng với cha mẹ của chúng. Vì thế, khi gia đình sum họp cầu nguyện và có những diễn tả lòng đạo đức bình dân có sức loan báo Tin mừng mạnh hơn bất kì việc dạy giáo lý và bài giảng đạo nào”. “Thực hành việc thông truyền đức tin cho con cái cho phép gia đình trở thành nhà rao giảng Tin mừng thông truyền đức tin cho mọi người xung quanh”, “loan báo Tin mừng cách minh nhiên, can đảm và liên tục qua các việc như: liên đới bằng cả tinh thần và vật chất với người nghèo và gia đình nghèo túng nhất, đón nhận những con người khác biệt, bảo vệ thiên nhiên, dấn thân cho công ích.”.[13]
Trong Tông huấn, Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý: “Nhiều lần chính ông bà đảm bảo việc truyền đạt các giá trị lớn lao cho các con cháu mình và nhiều người có thể nhận thấy chính ông bà đã khai tâm đời sống đức tin cho mình. Lời lẽ của các ngài, những sự âu yếm của các ngài hay chỉ với sự hiện diện của các ngài cũng đã giúp các em nhận ra rằng lịch sử không bắt đầu từ nơi chúng, và chúng là những người thừa kế của một cuộc hành trình dài và cần phải tôn trọng hậu cảnh là những gì đến trước chúng ta”.[14]
Tông huấn đưa ra một số thực hành trong việc giáo dục đức tin cho con cái: dạy con nhỏ hôn Chúa Giêsu hay Đức Mẹ, không ngừng cầu nguyện cho những người con đang lạc xa Chúa Kitô, đưa lịch sử đời mình vào cầu nguyện, cần biết chấp nhận chính mình, biết cách sống chung với những hạn chế của mình, biết tha thứ cho chính mình, cầu nguyện trong gia đình, lòng đạo đức bình dân. “Hành trình cầu nguyện chung của gia đình đạt tới đỉnh điểm trong việc tham dự Thánh lễ, nhất là trong khung cảnh ngày nghỉ lễ Chúa Nhật”. “Các đôi vợ chồng Kitô hữu là những cộng tác viên của ân sủng và là những chứng nhân đức tin cho nhau, cho con cái và cho các thành viên khác trong gia đình” . Thiên Chúa mời gọi họ thông truyền và chăm sóc sự sống. Đó là lí do tại sao gia đình “bao giờ cũng là ‘bệnh viện’ gần nhất”. “Chiêm ngắm từng người thân trong gia đình bằng đôi mắt của Thiên Chúa và nhận ra Đức Kitô nơi họ là một kinh nghiệm tâm linh sâu xa”.[15]
Việc giáo dục con cái của cha mẹ là nguồn gốc của sự thiện và sự ác trong gia đình và xã hội.[16] Không một ai có thể đạt được sự giáo dục luân lý cách tinh tế và hợp lý hơn cha mẹ, đặc biệt trong lãnh vực luân lý tính dục cho con cái mình. Sự sút kém về luân lý đạo đức nơi con trẻ có nguyên do sự sút kém trong việc giáo dục luân lý đạo đức của cha mẹ trong những năm đầu đời của trẻ.[17] Con cái phản ánh bộ mặt tốt hay xấu của cha mẹ một cách trung thực. Vì vậy, việc giáo dục lương tâm con cái là nhiệm vụ cha mẹ phải làm từ thời thơ ấu và đồng hành với con suốt đời.[18]
Là một cộng đoàn của sự sống và tình yêu, gia đình là một cộng đoàn giáo dục để giúp mỗi thành viên phát triển trong tình yêu.[19] Sự hiệp thông nhân vị là nhiệm vụ của việc giáo dục thường xuyên để có sự hiệp thông giữa những con người, điều mà Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đề xuất như là “nhiệm vụ đầu tiên”.[20]
Bổn phận giáo dục đã được đóng ấn trong ơn gọi làm cha và làm mẹ.[21] Đó là một ơn gọi cộng tác trực tiếp với Thiên Chúa sáng tạo.[22] Vì vậy, ơn gọi giáo dục của cha mẹ Kitô giáo, vừa là một đặc ân vừa là một trách nhiệm lớn lao, đã được Thiên Chúa trao ban. Tuy nhiên, khi cha mẹ dấn thân trong việc giáo dục con cái, họ luôn được Giáo Hội hỗ trợ và khuyến khích để họ thực hiện chức năng.[23]
Sự hiện diện của người cha trong việc giáo dục con cái thì thật quan trọng. Người cha vừa người bảo vệ, nhưng đồng thời hướng dẫn con cái đối diện với thực tại khắc nghiệt để tiến tới đời sống trưởng thành. Thiếu vắng người cha làm cho trẻ thiếu đi tính sáng tạo và lo sợ khi phải đối diện với sóng gió cuộc đời. Sự hiện diện của người cha giúp cân bằng tâm lý cho cả hai phái nam và nữ nơi con trẻ.
Vai trò của người mẹ thì rất quan trọng trong việc giáo dục con trẻ. Thông qua giao tiếp giữa mẹ và con, con trẻ có kinh nghiệm tình yêu và sự an toàn. Quan hệ giáo dục giữa mẹ và con có nguồn gốc của nó ngay cả trong giai đoạn đầu của thai kỳ. Sau khi chào đời, trẻ em hoàn toàn phụ thuộc vào sự chăm sóc mẹ. Thông qua người mẹ, đứa trẻ khám phá thế giới xung quanh.
Vai trò của ông bà trong việc giáo dục bổ sung cho vai trò đó của cha mẹ khi họ ở gần gũi với cháu chắt của mình. Họ giúp cháu mình phát triển về mặt tình cảm và cảm xúc. Họ được coi là những người kể chuyện, bảo vệ và người nói về Thiên Chúa. Qua ông bà con trẻ cũng học được bài học của sự vâng phục.
Tóm lại, gia đình là nơi mà ơn cứu độ của Thiên Chúa ở cùng và đến lượt mình, qua giáo dục gia đình thực thi sứ mạng đem ơn cứu độ cho gia đình mình và cho thế giới.
II. CỦNG CỐ VIỆC GIÁO DỤC CON CÁI
- Củng cố nền tảng việc giáo dục
Dù cách công khai hay kín đáo, cha mẹ luôn có ảnh hưởng trên việc hình thành nhân cách của con cái, “về điều tốt cũng như điều xấu”. Do mang tính ảnh hưởng trực tiếp, bữa ăn chung mang giá trị giáo dục và giá trị sống nhiều hơn là chỉ lo lắng cho tương lai mà đánh mất hiện tại, ấn định thời gian chất lượng cho đối thoại và lắng nghe là một nhu cầu để sống và để làm triển nở tình yêu.[24]
Tình yêu là một trong những bí quyết quan trọng nhất trong việc giáo dục con cái. “Sự phát triển tình cảm và đạo đức của một con người đòi hỏi một kinh nghiệm cơ bản: tin rằng cha mẹ của mình là đáng tin cậy. Đó là một trách nhiệm trong giáo dục: với tình thương và gương sáng cha mẹ tạo sự tin tưởng nơi con cái, truyền cho chúng một lòng kính trọng trong yêu thương”[25]. Tình yêu đó giúp cha mẹ dạy dỗ con cái nên người, giúp con cái thành công, là linh hồn của đời sống nhân bản, đạo đức, tâm lý và văn hóa. Tình yêu đó giúp con cái ổn định và an toàn. Linh mục Bruno Ferrero có một điều răn cho cha mẹ như sau: “Chính cha mẹ phải năng chăm sóc nhau nếu họ muốn chăm sóc con cái mình. Bổn phận đầu tiên của một người cha với con cái mình là yêu thương mẹ của chúng. Và ngược lại”.
Mỗi gia đình đều có lịch sử của riêng nó. Cha mẹ và con cái cần lưu ý về giá trị của lịch sử: Lịch sử là ông thầy dạy khôn, dạy xây dựng tương lai có ý nghĩa. Chuyện kể của ông bà rất tốt vì họ đặt trẻ em và người trẻ trong mối liên hệ với lịch sử của gia đình, thôn làng hay đất nước.
Có anh chị em, có họ hàng thân thuộc là môi trường quý báu để tạo tương quan huynh đệ, trường học lớn dạy sống tự do và hòa bình, học sống chung với nhau cuộc sống làm người. Việc chăm sóc, yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau là một kinh nghiệm mạnh mẽ, tuyệt vời và độc đáo về tình huynh đệ trong gia đình có nhiều hơn một đứa con.
Trường học gia đình cần có những thực hành xây dựng tình tương thân tương ái: “Mỗi ngày gia đình phải sáng tạo những cách thức mới để gia tăng sự nhận biết lẫn nhau”[26].
Để con cái lớn khôn, có một ngôi nhà thắm tình thân ái, cảm thấy thoải mái, có bầu khí ấm cúng và mang trạng thái an bình là nhu cầu, là mơ ước hàng đầu trong các nhu cầu của mỗi người cha người mẹ, mỗi gia đình. Một ngôi nhà bình yên, với cả gia đình cùng đang ngồi quanh bàn tiệc, có ông bà, cha mẹ và con cháu là hồng ân và là phúc lộc Chúa dành cho kẻ kính sợ Người.
- Củng cố mục tiêu giáo dục
Đức Hồng y Jean-Louis Bruguès cho biết tự do đích thực là “khả năng con người được thật sự là mình và đạt tới sự sung mãn của mình”. Dự tính của mỗi người con hay mỗi con người xuất phát từ sự “trung tâm tự do”[27] ấy. Đó là một sự tự do có trách nhiệm trong bổn phận làm người. Sự tự do chỉ có nơi người trưởng thành, những người đã được huấn luyện lương tâm cách kỹ lưỡng.
Để có hành động tốt, một hành động đòi hỏi cố gắng và hy sinh từ bỏ, người ta cần “phán đoán đúng”, biết rõ điều phải làm, có động lực thúc đẩy ngay lành và biết rõ sự thiện có thể đạt được.[28] Những hành động xấu xa sẽ là nguyên nhân cho những hậu quả xấu xa. Người gây ra hậu quả xấu phải chịu trách nhiệm vì điều xấu đã gây ra cho người khác: “Điều quan trọng là kiên quyết dạy cho trẻ biết xin lỗi và sửa chữa những thiệt hại gây ra cho người khác”.[29]
Giáo dục giới tính là một công việc quan trọng. Để cho trẻ em và thanh thiếu niên biết sống cho một tình yêu cao thượng và quảng đại, cần phải có một nền giáo dục giới tính tích cực, khôn ngoan và tiệm tiến theo những tiến bộ của tâm lí học, sư phạm và giáo dục.[30]“Đức khiết tịnh là điều kiện quý báu cho sự tăng trưởng đích thật của tình yêu liên vị”[31], “đức khiết tịnh trong bậc sống của mỗi người là có thể thực hiện được và nó chính là nhân tố đem lại niềm vui”[32]. “Giáo dục giới tính cung cấp thông tin, nhưng thông tin phải đến đúng thời điểm theo cách thức phù hợp với lứa tuổi. Sẽ không ích lợi nếu thông tin đó chỉ làm biến dạng khả năng yêu thương của chúng… Nền giáo dục giới tính canh giữ sự e thẹn lành mạnh có một giá trị lớn lao”.[33]
- Củng cố đường hướng giáo dục
Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh việc cha mẹ phải có định hướng cho cuộc đời của con cái. Giáo dục con cái là công việc của tình thương, nhưng đó là một loại tình thương có định hướng “giúp trưởng thành sự tự do”, “triển nở toàn diện”, có “sự tự lập đích thật” cho người con. “Những xác tín, mục tiêu, ước muốn, dự tính cuộc đời” của người con là điều mà cha mẹ có bổn phận quan tâm.[34]
Thanh thiếu niên thường xa lạ với việc quản lý thời gian và lên kế hoạch cho tương lai, vì thế tạo cho con cái một kế hoạch hay một mục tiêu cần vươn tới là bổn phận hướng nghiệp của cha mẹ. Kế hoạch cho tương lai sẽ là công cụ để con cái có thể tác động tới những biến cố xảy ra trong cuộc đời theo ý muốn, sẽ giảm thiểu những điều bất lợi.
Thói quen là một hoạt động tự động trong cuộc sống của mỗi cá nhân. Thói quen tốt và mang tính trung dung giúp con người tập trung tinh thần để làm những công việc cần thiết khác. Chính phẩm giá tự do nội tâm và trách nhiệm nên thánh đòi buộc người Kitô hữu phải có trách nhiệm trên thói quen của mình. Những tập quán nhân đức mà cha mẹ và con cái chuyển hóa thành nguyên tắc hành động thuộc nội tâm và bền vững sẽ gia tăng phẩm giá cho họ.[35]
Phạm lỗi là chuyện thường tình của con trẻ do sự bồng bột của tuổi thơ nhiều hơn là do cố ý. Tuy nhiên, không ít cha mẹ tỏ ra lúng túng trước lầm lỗi của con. Yêu con đến mức không sửa dạy những lỗi lầm dù rất nhỏ thì cũng không phải là yêu thương đích thực. Cha mẹ sửa lỗi làm sao để con cái cảm thấy chúng vẫn được quan tâm, yêu mến, tin tưởng và được đánh giá cao về những nỗ lực, tiềm năng và khả năng hướng thiện của chúng, để giải toả cảm tưởng bị đè nặng phải phục tùng ý muốn thống trị của người khác. Không sửa dạy những khiếm khuyết ngay khi còn thơ ấu của con cái, cha mẹ chỉ tạo thêm nhiều khó khăn không chỉ tương lai của con cái mà còn cho cả chính mình. Càng tạo nhiều sự dễ dãi, tạo lối sống không nguyên tắc cha mẹ càng tạo thêm những khó khăn và tập tính tắc trách trong tương lai. Sửa dạy nhưng cha mẹ phải luôn luôn nói “không” với bạo lực trong gia đình. Vì thế, cha mẹ cần khéo léo để giúp trẻ nhận ra “kỷ luật” cần thiết để đào luyện “phẩm giá” con người, là “một kích thích để luôn đi xa hơn”, là “một giới hạn có tính xây dựng của cuộc hành trình” hơn là “một bức tường cản trở”, “một lối giáo dục kiềm chế”, một “sự huỷ hoại ước muốn”.[36]
Một nguyên tắc mang tính sư phạm được phát biểu như sau: Giáo dục đạo đức phải tuân theo quy luật trong giới hạn và quy luật tiệm tiến: “Giáo dục đạo đức bao hàm việc chỉ đòi hỏi một đứa bé hay một người trẻ chỉ những điều đối với chúng không là một hi sinh quá mức chịu đựng, và chỉ đòi hỏi trong mức độ chúng phải nỗ lực mà không gây phẫn uất hoặc cảm thấy bị cưỡng bức. Hành trình thông thường là đề ra những bước nhỏ có thể được hiểu, được chấp nhận và được trân trọng, và bao gồm một sự từ bỏ hợp lí. Ngược lại, nếu đòi hỏi quá nhiều, thì sẽ không được điều gì cả. Con người ta ngay khi có thể được giải thoát khỏi quyền bính, có thể sẽ thôi không còn làm điều tốt nữa”.[37]
Trong đời sống gia đình không thể để bao trùm lối nghĩ thống trị lẫn nhau và sự cạnh tranh để xem ai là người thông minh hơn hay quyền lực hơn, vì như thế sẽ làm hủy diệt tình yêu. Lời khuyên cho gia đình sau đây cũng thật đáng giá: “Tất cả anh em hãy lấy đức khiêm nhường mà đối xử với nhau, vì Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường” (1 Pr 5,5).[38]
Cha mẹ có vai trò quyết định trong việc sống và truyền đạt khả năng chờ đợi trên con cái: “Giáo dục khả năng biết chờ đợi, biết trì hoãn không phải là khước từ ước muốn, nhưng là làm chậm lại sự thỏa mãn của mình”. Khả năng này đòi hỏi con người phải có “tinh thần hy sinh, một điều mà không có nó không một tình yêu nào có thể đứng vững dài lâu”, “quý mến và thực hành sự tự chủ và sự kiềm chế”, “vun xới thái độ nhẫn nhục”, “biết trì hoãn một số điều và học biết chờ đợi cho tới thời điểm phù hợp”, có “sự nhạy cảm với bệnh tật của con người”, “có chương trình giáo dục cảm xúc và bản năng”. “Khi trẻ em hoặc thanh thiếu niên không được giáo dục để chấp nhận rằng có những điều phải chờ đợi, chúng sẽ trở thành những kẻ kiêu căng độc tài, bắt mọi sự phục tùng để thỏa mãn nhu cầu trước mắt của chúng và chúng lớn lên cùng với thói hư muốn có “tất cả ngay lập tức” . Đó là một sự lừa dối kinh khủng vốn không giúp cho tự do triển nở, mà còn làm hại tự do”.[39]
Tóm lại, “nghề làm người” đòi hỏi phải có những nguyên tắc. Củng cố việc giáo dục con cái cũng chính là củng cố tình yêu giữa cha và mẹ. Việc giáo dục ở đây có phương pháp dựa trên tình yêu và trách nhiệm, có sự hỗ trợ của các môn khoa học nhân văn cũng như sự trợ giúp của Giáo Hội. Mức độ ý thức, hiểu biết, nhiệt tình, hợp lý và thích đáng trong việc giáo dục sẽ đo lường sự thành công của cha mẹ trong nhiệm vụ khó khăn và quan trọng này. Một nguyên tắc chủ đạo cho các cha mẹ Kitô hữu là có Chúa Giêsu trong cuộc sống gia đình mình. Như lời Người đã nói: “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5).
III. THỰC HÀNH VIỆC DẠY DỖ CON CÁI
Việc giáo dục thời nay có nhiều khó khăn do môi trường xã hội, do sự vắng mặt thường xuyên của cha, của mẹ hoặc của cả cha lẫn mẹ, do cha mẹ thiếu một phương pháp giáo dục đúng đắn. Vì vậy, điều tiên quyết là cha mẹ có bổn phận dành nhiều thời gian để ở với con cái, tìm yêu mến và hiểu biết con cái nhiều hơn nữa và biết dạy dỗ theo phương pháp đúng đắn, luôn bắt kịp với thời đại để có những chỉ dẫn thích hợp cho con cái.
Khoa học ngày nay chứng minh rằng việc tiếp xúc thân tình giữa cha mẹ với con cái từ khi còn nhỏ rất quan trọng trong việc hình thành nhân cách và sức khỏe của trẻ. Thế nhưng, thật ngạc nhiên khi thống kê cho thấy rằng ở nhiều nơi, những người cha dành không quá một phút mỗi ngày để tiếp xúc cách gần gũi và thân thương với những đứa con của mình và không quá 5 phút để thực tình dạy dỗ con cái.
Cha mẹ nên thu xếp để cả gia đình có thể: Ăn uống chung với nhau, và lưu ý rằng truyền hình phải được tắt đi; Đọc cho nhau nghe: đem lại niềm vui, sự hiểu biết, mang lại niềm đam mê đọc sách, học hành; Gia đình sum họp cầu nguyện: giúp ích cho việc giữ gìn sự hợp nhất gia đình, làm phong phú về đời sống tâm linh; Tổ chức mừng những ngày bổn mạng, ngày sinh nhật, ngày kỷ niệm… của các thành viên trong gia đình.
Muốn giáo dục con cái, trước hết cha mẹ phải yêu mến và hiểu biết con cái. Họ phải biết sở thích của trẻ: Cuốn sách mà trẻ mới đọc sau cùng là gì? Món ăn khoái khẩu và ghét thậm tệ của trẻ? Món quà nào mà trẻ ao ước nhất? Trong số những cái mà trẻ có được, cái nào có tầm quan trọng nhất đối với chúng? Người bạn thân nhất của đứa trẻ là ai? Ca sĩ trẻ yêu thích? Trẻ thích thể loại âm nhạc nào? Môn thể thao nào giúp trẻ khuây khỏa hơn cả? Cha mẹ xét đến tương quan của con với tha nhân: Ở trường các bạn tặng cho trẻ biệt danh gì? Ngoại trừ thành viên trong gia đình, người nào có ảnh hưởng nhất đối với trẻ? Giáo viên nào được trẻ yêu thích nhất?
Cha mẹ phải hiểu biết tâm lý của trẻ: Trẻ có mặc cảm vì ngoại hình (mập, lùn, gầy…)? Trẻ cảm thấy thất vọng hay hài lòng về điểm số ở trường? Trẻ có hay vi phạm nội quy? Trong năm nay, điều nào đã làm trẻ thất vọng nhất? Trẻ có thường cảm thấy sợ hãi không? Trẻ có khả năng kiểm soát hành vi của mình không? Trẻ có ước vọng gì cho tương lai? Nhận thức có được về cái chết là gì?
Cha mẹ nên tự hỏi mình đã quan tâm con đến mức nào: Lần gần nhất tôi nói chuyện thân tình với con là khi nào? Đâu là những câu mà tôi thường nói nhiều nhất? Được bao nhiêu lần (và khi nào) tôi đã nói câu này: “Cha mẹ rất thương con”, “cha mẹ tự hào về con”? Tôi thường khuyến khích con? Tôi có biết thừa nhận những tiến bộ của con mình không? Tôi có sử dụng tiền bạc như một phương tiện để hứa hẹn với con cái và tự miễn thứ cho những hành vi quá độc đoán hoặc bù trừ sự “thiếu sót” trong tư cách làm cha mẹ? Con tôi có yêu căn nhà mình ở không? Tôi có coi căn nhà mình ở là nơi quan trọng nhất trong số những nơi mà tôi lui tới không? Máy truyền hình có choáng mất nhiều chỗ trong nhu cầu của trẻ và những giờ phút thân tình trong gia đình? Lần gần nhất tôi cùng cầu nguyện với con mình là khi nào?
- Môi trường giáo dục tại gia đình
Nguyên nhân chủ yếu gây căng thẳng xuất phát từ chính gia đình trước khi nó đến từ những nguyên nhân khác: bầu khí gia đình bị ô nhiễm nghiêm trọng do bố mẹ giận dữ, cãi vã và đánh lộn nhau. Khi trẻ quá lo âu có thể bị trầm cảm, rối loạn tiêu hóa, hoặc có cách ứng xử cứng cỏi: hay cãi, ngôn ngữ tục tĩu, tính khí thất thường, xấc láo bất cẩn, trộm cắp, quan tâm đến nội dung khiêu dâm… Khi gặp hiện tượng bên ngoài, cha mẹ thường khiển trách nặng lời mà ít khi chịu lội ngược dòng truy tìm nguyên nhân.
Các nhà tâm lý học đã cho biết rằng có đến khoảng 68% những gia đình mà cha mẹ không hòa thuận thì có con cái hư hỏng. “Tình yêu liên kết cha mẹ lại là đá tảng vững vàng trên đó con cái có thể xây dựng đời mình”. Dù còn bé, một đứa trẻ cũng cảm nhận được sự hiện diện của tình yêu chân thật và vị tha nơi gia đình. Đó là điều vô cùng quan trọng mà cha mẹ cần phải biết để chu toàn đối với hạnh phúc và tương lai của con cái mình. Bởi thế, các bậc cha mẹ cần phải dành thời giờ tâm sự với nhau, hòa giải các điểm bất đồng và “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.
Tạo bầu khí vui tươi, bình an trong gia đình mình phải là ưu tiên hàng đầu của cha mẹ. Gia đình phải là tổ ấm thân mật cho sự nghỉ ngơi cho thể lý và tinh thần, và đặc biệt là cung thánh của những tâm tình tôn giáo, nơi mà người ta được học biết về Thiên Chúa là Cha yêu thương, học biết tha thứ, hy sinh cho nhau… Muốn được như vậy, phải tạo nên “tinh thần gia đình” bằng cách mọi thành viên đều cùng tham gia để xây dựng gia đình mình, phải có khả năng để cùng nhau làm điều gì đó. Mỗi người đều được người khác đánh giá cao về bất cứ mặt tốt nào. Triết gia John Dewey nói: “Ham muốn lớn nhất của con người là ước muốn được người khác đánh giá cao, được người khác cho mình là quan trọng”. Khi gia đình có vấn đề, điều cần thiết là đừng ai hỏi “Lỗi tại ai?” nhưng bao giờ cũng là: “Chúng ta có thể giải quyết vấn đề bằng cách nào?” để không ai phải thua cuộc, phải mất mặt.
Các phương tiện truyền thông đại chúng ngày nay có ảnh hưởng không nhỏ đến nhân cách mỗi cá nhân và vì thế ảnh hưởng đến bầu khí gia đình. Về mặt luân lý đạo đức, những phim ảnh bạo lực và tình dục không chỉ làm chai cứng tâm trí của người lớn mà còn phá hủy sự an bình và trong trắng của trẻ thơ và thanh thiếu niên. Về mặt sinh học, việc trẻ xem ánh sáng xanh của màn hình quá sớm và quá nhiều có ảnh hưởng xấu đến cấu trúc của đại não do dòng âm cực sản sinh ra từ điện áp 20,000. “Tắt Tivi, bật ý tưởng” là châm ngôn truyền miệng của cha mẹ người Nhật.
- Biết lắng nghe và biết lựa lời mà nói với con
Lắng nghe con nói là việc không dễ dàng. Những người bị sang chấn tâm lý cho biết hồi nhỏ không tìm được sự an ủi của cha mẹ. Theo các chuyên gia tâm lý, nhiều cha mẹ đang mắc phải những sai lầm khó sửa trong việc nuôi dạy con đó là ít lắng nghe, hoặc lắng nghe con cái không đúng cách. Để rồi, khi con trẻ không phát biểu được ý kiến của mình, sẽ trở nên tự ti, mặc cảm, không dám khẳng định mình, và rồi dẫn đến nguy cơ tự đánh mất bản thân. Cha mẹ cần nắm một số quy tắc vàng của lắng nghe: Biết lắng nghe không chỉ với đôi tai, mà cả với đôi mắt cách ân cần. Có những lời gợi ý nhẹ nhàng như “Chà… Nó phải gây cho con khó khăn đấy… và rồi điều gì sẽ xảy ra nhỉ?”. Đừng vừa làm việc vừa nghe: nếu thấy việc quan trọng hơn điều trẻ cho là khẩn cấp, hãy sắp xếp với trẻ lúc nào cha mẹ có thể lắng nghe kỹ lưỡng. Đừng vội lấp đầy khoảng trống bằng những lời khuyên bảo, cảnh cáo, yêu cầu, hoặc lời nói tiêu cực: “Chỉ thằng ngốc mới làm điều đó”, “mày vụng về quá” “sao yếu đuối thế”, …
Nói lời yêu thương là thói quen hữu ích. Một cô bé thường mẹ bị mắng: “Con bé hàng xóm nó cũng ăn cơm mà sao nó học giỏi còn mày dốt thế”, “giá như tao đẻ được đứa con như nó”. Cô bé đã bị tổn thương nặng nề, và di chứng còn mãi về sau không thể xóa nhòa, ngay cả khi cô đã thành người lớn: “Nếu có phép màu, tôi ước sẽ xóa nhòa được những ký ức đau buồn về mẹ.” Một người thường xuyên bị phê bình, chỉ trích, và bị ngược đãi trong gia đình sẽ khó hay không thể có một nhân cách lành mạnh. Bởi thế, cha mẹ cần nhớ công thức: P: T = 1 : 5. Nghĩa là khi đứa trẻ bị trừng phạt (P) 1 lần trong một ngày, để bù vào sự trừng phạt đó, nó phải nhận được 5 lời khen ngợi hay phần thưởng (T).
Khả năng yêu thương được diễn tả qua phép lịch sự: “qua phép lịch sự, tôi chăm chú và tỏ ra lịch thiệp với tha nhân. Nó là hình thức sơ đẳng không thể thiếu được cho đức công bình và bác ái” (Jean-Louis Bruguès). Tông huấn Niềm vui yêu thương phát biểu rất tuyệt vời qua một định nghĩa ngắn gọn: “Yêu thương cũng có nghĩa là làm cho mình đáng yêu”. “Ai yêu thương thì có khả năng nói những lời động viên có sức vỗ về, trợ lực, an ủi, khích lệ”; Trong gia đình, chúng ta cần học cách ăn nói hòa nhã với nhau của Đức Giêsu: “Này con, cứ yên tâm!” (Mt 9,2); “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật!” (Mt 15,28); “Hãy trỗi dậy đi!” (Mc 5,41); “Chị hãy đi bình an” (Lc 7,50); “Anh em đừng sợ” (Mt 14,27). “Bạn muốn tôi làm gì cho bạn?” (Mc 10,51).[40]
Ba từ thiết yếu[41] cần được nói trong gia đình là từ “permesso = xin phép” thể hiện sự nhún nhường, hiếu hoà; “grazie = xin cám ơn” bộc lộ tính vị tha, khiêm nhường; “scusa = xin lỗi” cho thấy tính thành thật, khiêm tốn. Thái độ khiêm nhượng nuôi dưỡng tình yêu, gây tin tưởng, đem lại hy vọng, bình an và niềm vui cho tâm hồn và cho gia đình. Một nhân cách trưởng thành sẽ không ngần ngại để nói với tất cả sự khiêm tốn và quảng đại.[42]
Theo linh mục Bruno Ferrero, những câu đối thoại mang tính xây dựng giúp bầu khí gia đình biến đổi, gây ấn tượng tích cực cho bản thân, rất cần cho con cái phát triển quân bình và tin tưởng vào cha mẹ như: “Anh yêu em”, “Cha mẹ rất yêu thương con”, “Con rất xinh”, “Cha mẹ thật hạnh phúc khi có con trong đời”, “Hãy tin tưởng vào bố mẹ!”, “Con đang nghĩ gì vậy?”, “Con có thể khóc nếu con muốn”, “Ba mẹ muốn lắng nghe con. Hãy nói cho ba mẹ biết!”, “Tại sao con không muốn điều đó?”, “Ba má tin tưởng con”, “Thật tuyệt vời khi quây quần bên nhau”, “Ba mẹ rất tự hào về con” v.v…
- Những món quà mà cha mẹ có thể trao tặng cho con cái
Bí quyết mà Don Bosco truyền lại cho các nhà giáo dục là “Hãy cố gắng làm cho mình được yêu mến”. Cha mẹ cần dạy con biết yêu mến người khác, và chính cha mẹ cũng phải luôn tỏ cho con cái biết là chúng được yêu thương. Cha mẹ càng biểu lộ lòng yêu mến đối với con cái, thì khi về già càng nhận được sự yêu mến và lòng biết ơn của chúng.
Vun trồng cho con trái tim nhạy cảm và lòng trắc ẩn giữa một xã hội mà bạo lực học đường có khuynh hướng gia tăng. Trước nỗi đau đớn và thống khổ của người khác, cha mẹ cần dạy con cái biết lưu tâm đến tha nhân, giúp đỡ họ những nhu cầu cần thiết, dạy cho các em biết kính trọng và cảm thông với người khác cách sâu xa, đồng thời biết đọc ra sự cô đơn, thống khổ đang đè nặng trên người khác. Bởi vì theo triết gia Alfred Adler: “Kẻ nào không quan tâm đến người khác, chẳng những sẽ gặp nhiều sự khó khăn nhất trong đời, mà còn là người có hại nhất cho xã hội”.
Tập cho con sống khoan dung. Thật khó để tránh được một ngày mà không có ai làm ta bực mình. Vì thế học biết khoan dung tha thứ là một kỹ năng sống. Muốn tha thứ, trước hết cần phải cầu nguyện cho kẻ xúc phạm mình, ít nhất là đọc một kinh Kính Mừng cho họ, rồi mọi sự sẽ êm dịu nhanh chóng. Ngoài ra, nếu tận mắt thấy cha mẹ tha thứ cho nhau, trẻ sẽ dễ dàng biết cách tha thứ cho tha nhân.
Dạy con sống thành thật. Bí quyết lớn nhất của sự thành công là sự thành thật. Sự thành thật đúng nghĩa đòi hỏi phải biết cả điều dở lẫn điều hay của mình. Phải nhìn nhận các khuyết điểm của mình đồng thời phải cố gắng phục thiện. Thông thường, trẻ em có thói quen nói dối do yếu đuối và sợ hãi hình phạt từ cha mẹ. Bởi thế, cha mẹ nên dùng những lời có phép thần diệu sau: “Cảm ơn con đã cho cha mẹ hay biết sự việc. Cha mẹ thật sự tin tưởng con”. Và một điều thiết yếu, gương sáng còn hiệu quả hơn: chỉ những bậc cha mẹ biết tôn trọng người khác, sống đứng đắn và đáng kính nể mới có thể dạy bảo sự tôn trọng, lòng trung thực và chữ tín cho con cái mình.
Nhắc nhở con cái phải biết ơn Thiên Chúa và tha nhân. Don Bosco thường nói với các học sinh: “Chúng ta hãy khóc thương kẻ vô ơn, vì họ không được hạnh phúc”. Lòng biết ơn là một trong những biểu lộ cao đẹp của tình yêu. Bởi thế, cha mẹ không chỉ dạy con cám ơn bằng lời mà còn bằng ánh nhìn, cử chỉ và nụ cười. Ngoài ra, cha mẹ cũng cần dạy cho trẻ phải biết cầu nguyện cho người đã làm điều tốt cho mình, một cách đáp trả cao quý, tế nhị. Ngoài ra, trẻ cũng cần học biết cám ơn qua thư từ, và bằng quà biếu. Đặc biệt, cha mẹ cần dạy trẻ biết cảm tạ Thiên Chúa luôn, vì Người là nguồn mạch của mọi điều tốt lành.
Tập cho con sống khiêm nhường. Có hình ảnh nào đẹp hơn khi Chúa Giêsu vốn là thầy, là Chúa mà còn cúi xuống rửa chân cho các môn đệ? Cha mẹ hãy dạy con sống khiêm nhường ngay từ nhỏ, bởi vì “Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu căng nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường” (1P 5,5). Cha mẹ nên dạy con không được chỉ trích người khác mà hãy nhìn vào những điểm mạnh của họ. Nếu con cái mình chăm ngoan học giỏi thì hãy nói với con rằng đừng khinh thường những bạn học yếu hơn, vì chưa chắc những lĩnh vực khác mình đã bằng họ. Đồng thời, nên khuyên bảo con kiến thức đó để giúp đỡ các bạn thay vì đi khoe khoang về sự thông minh của mình. Cha mẹ cũng cần cho trẻ biết việc thừa nhận sai sót của mình là rất cần thiết và điều đó lâu dần sẽ giúp bé trở thành người khiêm tốn. Cuối cùng và quan trọng nhất, cha mẹ cần chỉ cho con trẻ biết rằng những gì mình có đều là nhờ hồng ân của Thiên Chúa.
Dạy con sống tiết độ. Thánh sư Tôma Aquinô cho rằng đức tiết độ là gốc rễ sâu xa cho cả đời sống thiêng liêng lẫn đời sống cảm xúc. Sự tiết độ là vẻ đẹp của nhân cách: một cách tự nhiên, mọi người đều tỏ lòng khâm phục những ai biết tự kiềm chế và làm chủ được bản thân. Cha mẹ cần dạy con cách sử dụng tiền bạc, tránh xa cạm bẫy của chủ nghĩa tiêu dùng thái quá. Cha mẹ cần truyền sức mạnh để con cái không bị quảng cáo mê hoặc, cái bẫy của hàng “hiệu”, hàng “độc”, hàng “cầm tay”, hàng “đời mới” Cha mẹ là những hướng dẫn viên cho con cái trong khu rừng rậm rạp của nạn khiêu dâm hiện nay. Ngoài ra, cha mẹ cần dạy con: “y phục xứng kỳ đức – ăn mặc hợp với phẩm giá”.
Giúp con sống dũng cảm. Lòng dũng cảm không được nhầm lẫn với sự liều lĩnh vô ý thức hoặc sự tàn bạo đến từ một số anh hùng trong phim ảnh. Ngày nay, dấu hiệu của lòng dũng cảm là khả năng bảo vệ những ý tưởng đặc thù của mình, không phải với tính bướng bỉnh. Đặc biệt, người can đảm phải dám “kiên trì và quyết tâm theo đuổi điều thiện”, bảo vệ công lý, cho dù gian nan thử thách cũng không khiếp sợ. Ngay từ nhỏ, con cái cần được cha mẹ khuyến khích để thực hành và tự đảm nhận những nhiệm vụ và công tác rõ ràng trong gia đình, nơi trường học và giáo xứ. Đồng thời, can đảm để trung thành với những điều đã cam kết.
Tập cho con sống lạc quan. Một gia đình đang vật lộn với khó khăn trầm trọng, người mẹ nói với các con: “Đừng khóc khi mặt trời mất, vì nước mắt sẽ ngăn cản ta chiêm ngưỡng những vì sao”. Bọn trẻ không bao giờ quên lời mẹ khi đã lớn khôn. Lạc quan, yêu đời trong cuộc sống đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như giảm stress, chống trầm cảm, tăng cường miễn dịch, giúp sống thọ Nếu trẻ
thường nghĩ tiêu cực rằng: “Mình là kẻ bất tài vô dụng” thì rồi nó cũng sẽ trở thành kẻ chẳng làm được gì. Vì vậy, cha mẹ cần tạo dựng lòng tin, niềm lạc quan, yêu đời cho trẻ, giúp trẻ chống lại khuynh hướng mặc cảm tự ti. Bởi vì, lạc quan không phải là đặc tính “bẩm sinh”, nhưng được tạo dựng từ sự tự tin của bản thân và sự hỗ trợ của cha mẹ.
Trong cặp sách học sinh của một bé gái có tấm thiệp: “Con gái cưng của mẹ, mẹ biết con buồn chán vì sổ học bạ có điểm kém. Con đừng lo lắng. Con có nhiều điểm xuất sắc mà chính mẹ và cha tin rằng chúng thật quan trọng trong cuộc sống! Con thật thà, trách nhiệm và tự chủ. Con thật sự là một người tuyệt vời!”. Chỉ có cha mẹ là những người có thể làm cho trẻ xác tín rằng: “Mình có thể làm được điều đó”. Bởi vậy, nên khuyến khích trẻ thường xuyên. Câu nói: “Cha mẹ thực sự tự hào về con” là một câu nói có phép kỳ diệu.
Giúp con chế ngự tính khí thất thường của tuổi mới lớn. Một ông bố răn dạy con mình: “Con có thể tức giận với chính mình hoặc với em gái, nhưng con sẽ không bao giờ được phép đánh đập em hay bất kỳ ai khác. Riêng việc đấm đá thì không bao giờ. Bây giờ, hãy lui vào phòng của con và nhắc nhở bản thân mình rằng không bao giờ đánh đập em hoặc bất cứ ai khác”. Tính khí thất thường hay ngự trị trong trẻ, đặc biệt trong những đứa trẻ ở độ tuổi “khủng hoảng” (dậy thì) , nó “thúc ép” trẻ làm điều sai trái khiến chúng phải hối tiếc. Cha mẹ phải thường xuyên nhắc nhở con cái để chúng ý thức kiểm soát tính khí của mình.
- Giáo dục về đời sống tâm linh, điều không thể thiếu
Gia đình phải là cái nôi của tâm tình tôn giáo. Một lần khi còn bé, Gioan Bosco và anh trai cùng ngước nhìn bầu trời sao lấp lánh, thốt lên: “Mẹ ơi, đẹp quá!”. Mẹ Margherita nói: “Các con coi, trời chúng ta đẹp như thế, thì Thiên Chúa, Đấng tạo dựng nên còn đẹp đẽ hơn biết chừng nào”. Gia đình là cái nôi, nơi bắt nguồn đời sống tâm linh: Trẻ em khám phá ra Thiên Chúa nơi cha mẹ chúng vì “không ai thấy Thiên Chúa bao giờ” (Ga 6, 46). Nhờ vậy, chúng tìm ra ý nghĩa của các ngôn từ như: tiếp đón, trung thành, hy sinh,… Việc cầu nguyện cùng với cha mẹ là một trong những kinh nghiệm gây ấn tượng khó phai trong tâm trí trẻ. Cha mẹ hãy tìm cách giúp con nuôi dưỡng tương quan thân tình với Thiên Chúa. Cha mẹ cần tạo ra các nghi thức, chẳng hạn: đọc những đoạn Thánh Kinh và cầu nguyện với một ngọn nến thắp sáng; tổ chức cầu nguyện ngày mừng sinh nhật, bổn mạng, ngày giỗ, kỷ niệm ngày cưới và những ngày đặc biệt khác…
Cha mẹ cũng cần giáo dục về đau khổ, sự chết, và việc dọn mình chết lành cho con cái. Cha thánh Bosco luôn muốn thanh thiếu niên của ngài nghĩ về cái chết của chính mình để loại bỏ những gì gây lo lắng và sợ sệt. Trước hết và trên hết, là việc loại bỏ tội lỗi. Trẻ nhỏ thường có cảm giác về bản thân như siêu nhân, như “cái rốn của vũ trụ”. Nếu không được chuẩn bị kỹ lưỡng trước, chúng có thể bị chấn thương tâm lý khi tiếp xúc với thực tế phũ phàng. Bởi thế, hãy cho trẻ biết rằng: nỗi đau thương gắn liền với đời người như hình với bóng, đời người vắng bóng đau khổ cũng được hiểu là đời người vắng bóng niềm vui. Cha mẹ cũng cần học hỏi để biết cách trả lời cho những câu hỏi của trẻ em đặt ra về sự chết, tránh làm chúng khiếp sợ. Bởi lẽ, theo đức tin Công giáo, sự chết chỉ là cửa ngõ đi vào cuộc sống hạnh phúc vĩnh cửu mai sau. Cha mẹ cũng cần dạy con “Dọn mình chết lành”, bao gồm việc xưng tội và rước lễ vào đầu mỗi tháng như thể đó là lần cuối cùng trong đời. Nhờ đó trẻ sẽ sống có trách nhiệm hơn, yêu đời hơn. Cha mẹ cũng cần dạy con cầu nguyện cho người đã khuất. Hãy dạy trẻ em đọc câu: “Chúng con cậy vì danh Chúa nhân từ…”, “Giêsu – Maria – Giuse, con mến yêu, xin cứu rỗi các linh hồn”, khi gặp đám tang hay đi qua nghĩa địa. Việc dự lễ, xin lễ và rước lễ để cầu nguyện cho người quá cố cũng giúp cho họ rất nhiều, vừa xoa dịu được nỗi đau đớn và rút ngắn được thời gian phải họ phải chịu thanh luyện trong luyện ngục.
- Một số điều lưu ý cha mẹ khi sửa dạy con
Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”. Chị đầu bếp nói với Don Bosco: “Chúng con mua được một số táo tươi ngon dành cho bữa ăn trưa và bọn trẻ đã ăn cắp hết!”. Don Bosco nói với chị: “Điều sai trước hết không phải là do bọn trẻ, mà là do các con”. Sau đó, ngài nhờ người làm cái rào chắn gắn bên cửa sổ để không bao giờ tạo cơ hội phạm tội cho bọn trẻ. Đa số các tình huống được các học giả phân chia thành ba giai đoạn: giai đoạn trước khi xảy ra sự kiện, giai hành xử của con cái, giai đoạn xảy ra hậu quả. Thông thường, hầu hết các bậc cha mẹ ứng xử khi sự việc đã đến giai đoạn 3 mà ít lưu ý đến việc phòng ngừa từ giai đoạn đầu.
Đừng áp đặt nhưng hãy đối thoại. Người mẹ nói với con: “Công việc của mẹ quá nhiều làm sao mẹ còn thời gian để dọn dẹp căn phòng của con, ít ra con cũng phải dọn dẹp căn phòng của mình cho sạch sẽ vào những ngày con nghỉ học chứ?”. Cả hai mẹ con đã tìm ra một giải pháp mà không phải bực dọc ra lệnh, kèm với thái độ bất mãn phản ứng lại. Các cha mẹ thường sai lầm khi dùng quyền hành để áp đặt ý muốn của mình trên con cái. Khi bị áp đặt, chúng thường có những phản ứng: bất mãn, căm ghét, nổi loạn và bỏ nhà ra đi; hoặc khi chúng không nghe, cha mẹ sẽ phải tủi nhục và khổ tâm. Cha mẹ cần tìm cách khuyến khích con cái thi hành quyết định để tập cho chúng suy nghĩ và xử lý vấn đề thì tốt hơn là áp đặt quyền bính hay đe dọa, vì trẻ sẽ tự hào vui vẻ nghe theo bởi được coi là “bình đẳng”, là “người lớn”. Hình phạt và lời la mắng chỉ nên dùng ở mức tối thiểu.
Đừng lạm dụng hình phạt. Don Bosco khuyên rằng những nhà giáo dục đừng lạm dụng hình phạt, và đặc biệt, hãy tránh hạ nhục trẻ em. Một nhà giáo dục danh tiếng khác cũng nói: “Những trẻ em ở nhà bị đánh đòn, chúng thường hay đánh bạn ở trường và rồi chúng sẽ đánh vợ, đánh chồng nó sau này”. Khi sửa dạy trẻ, cha mẹ cần tránh hai thái độ sau: (1) Cho rằng các nết xấu của con cái là chuyện vặt vãnh; hoặc dễ dãi nhượng bộ, vô tình làm cho trẻ hiểu rằng: “À, cứ làm rùm beng lên rồi sẽ được điều mình muốn”. (2) Can thiệp cách tàn nhẫn, kèm theo lời lăng mạ và chửi bới. Tốt nhất, cha mẹ cần tỏ rõ thái độ không chấp nhận những hành vi xấu của trẻ nhưng cũng tỏ cho trẻ biết rằng cha mẹ luôn muốn điều tốt cho chúng. Bởi thế, chẳng có gì là mâu thuẫn khi một người cha ôm hôn con cái và nói rằng ông muốn điều tốt cho em sau khi đã khiển trách vì em đã cư xử không tốt.
Vài lưu ý khi sửa dạy trẻ: vì trẻ thường quên ngay lỗi lầm đã phạm nên phải sửa ngay lập tức; con cái bị trách mắng cách đúng đắn khi đó là lỗi của chúng chứ không do sự bực dọc hay mệt nhọc của cha mẹ; vì trẻ nhỏ rất nhạy cảm nên cần phải giơ cao đánh khẽ, sửa dạy với mức độ vừa phải.
- Cần đồng hành và quan tâm đến việc học hành của con cái
Phụ huynh quan tâm nhiều đến việc trường lớp, thì con cái sẽ học hành khá hơn. Theo một vài nghiên cứu, trẻ em có phụ huynh quan tâm đến những hoạt động ở trường lớp như: tham gia hội phụ huynh học sinh, hỏi con về trường lớp, các bạn bè của trẻ, giúp trẻ làm bài tập, thời khóa biểu, các môn học ở lớp, sách vở được giao cho đọc, sinh hoạt ngoại khóa… thì con cái sẽ đạt được kết quả học hành mỹ mãn hơn những trẻ mà phụ huynh chẳng màng ngó ngàng gì. Cha mẹ có bổn phận tìm ra những lý do để khen ngợi và khuyến khích con cái, những lý do thường có rất nhiều nơi trường lớp, và tuyệt đối nên tránh những lời sỉ vả và chế giễu. Ngoài ra, cha mẹ cần giúp con nhớ nguyên tắc: “Chưa học xong bài chưa đi ngủ, chưa làm bài đủ chưa đi chơi”.
Giúp trẻ phát triển óc sáng tạo. Khả năng sáng tạo cần cho cuộc sống rất nhiều máy móc ngày nay. Cha mẹ Việt Nam thường thích con trẻ vâng lời hơn là sáng tạo; thích trẻ làm theo sự chỉ dẫn của mình hơn là có ý tưởng riêng; thích áp đặt cách làm của mình hơn là để trẻ được tự do thể hiện ý tưởng. Lối giáo dục đó chỉ làm chúng ta càng ngày càng tụt hậu. Mỗi trẻ em đều tiềm ẩn năng lực sáng tạo, vấn đề là người lớn biết cách để khơi dậy nguồn sáng tạo hay là ngăn cản. Cha mẹ hãy trao ban cho trẻ quyền có một không gian riêng để: đọc sách báo, sắp xếp các bộ sưu tập, suy nghĩ. Hãy khuyến khích trẻ ham hiểu biết, đừng đưa ra những câu giải đáp quá đơn giản trước các câu hỏi liên tục của trẻ, và cố gắng đừng bực mình trước cái ước muốn khám phá không ngừng của chúng. Hãy nói cho trẻ về sự hùng vĩ của thiên nhiên, về sự tốt lành, công lý, thế giới mộng tưởng và những tư tưởng lớn.
Giúp con vượt qua lứa tuổi khủng hoảng. Khoảng từ mười hai đến mười lăm tuổi, trẻ em trải qua một giai đoạn bão táp. Tình bạn trong giai đoạn này rất là quan trọng. Ở trường trẻ khó dạy hơn, ở nhà thì dường như trở thành kẻ xa lạ. Trẻ thường nghe theo bạn bè hơn là cha mẹ, và có những biểu hiện “nổi loạn” như đi chơi về muộn, thích chưng diện hay sao nhãng việc học hành… Các nhà tâm lí cho rằng đó là những biểu hiện bình thường mà hầu hết ai cũng phải đối mặt. Và hơn lúc nào hết, đây là thời điểm mà các bậc cha mẹ cần bình tĩnh, bao dung, chia sẻ và lắng nghe để các em cảm nhận được sự quan tâm, từ đó chủ động gần gũi với cha mẹ thay vì tự cô lập bản thân. Cha mẹ phải đóng vai trò như người dẫn đường của con để tuổi dậy thì trôi qua nhẹ nhàng và an toàn.
Giúp con tránh những băng nhóm xấu. Một nhà phân tâm học đã nghiên cứu về nhiều băng nhóm trẻ gây nhiều tội ác và thấy rằng hầu hết các thành viên đều có một điểm chung: thuộc những đứa trẻ mồ côi, những gia đình rạn nứt đổ vỡ hoặc cha mẹ dửng dưng hoặc ít quan tâm đến việc dạy dỗ. Thời nào cũng có các băng nhóm thanh thiếu niên. Khoảng từ 8 tuổi, trẻ em đã có thể rủ nhau kéo bè, hợp thành băng nhóm với những tên gọi tùy hứng và thường xuyên tranh cãi, đánh lộn với các băng nhóm khác. Đây là một hình thức mô phỏng theo các hiệp hội của người lớn và nhiều khi để chống lại người lớn. Cha mẹ cần bảo vệ con cái, và khuyên răn chúng tránh những băng nhóm xấu.
Giúp con tránh khỏi những kẻ bắt nạt ở trường. Một phụ huynh ở Hà Nội chỉ biết con bị bắt nạt suốt một thời gian dài ở trường cho đến khi có người gọi điện thông báo. Nguy hơn, bố mẹ cô nữ sinh cấp III này lúc ấy mới biết con gái mình từng cố gắng tự tử nhiều lần bằng thuốc ngủ. Cô bé chỉ đồng ý kể lại sự việc khi đã trải qua rất nhiều lần tư vấn với chuyên gia tư vấn học đường. Đa phần các học sinh bị bắt nạt tại trường không dám kể lại mọi việc với cha mẹ, bởi vì sợ bị bạn trả thù, tẩy chay hoặc bản thân các em chưa tin tưởng vào bố mẹ, thầy cô có thể giúp đỡ mình vượt qua khó khăn. Cha mẹ có thể nhận biết những dấu hiệu trẻ đang bị bắt nạt tại trường như sau: có các vết bầm tím, biểu hiện mệt mỏi, đau đầu, khó ngủ, hay gặp ác mộng, quần áo nhem nhuốc, xộc xệch, sách vở bị mất hoặc phá hỏng, tính cách thay đổi biểu hiện ít nói hơn, lo lắng hơn, căng thẳng, hay cáu gắt. Nếu trẻ bị bắt nạt kéo dài, ở mức độ nghiêm trọng có thể còn biểu hiện triệu chứng tuyệt vọng, không dám đi học, sợ trường học, ám sợ xã hội, bị sang chấn hoặc có xu hướng tự tử. Khi nhận thấy bất cứ dấu hiệu cảnh báo nào cho thấy con có thể đang bị bắt nạt tại trường học, cha mẹ đừng bỏ qua và tặc lưỡi “Chuyện trẻ con ấy mà!”. Hoặc ngược lại, nhiều bậc cha mẹ không chỉ giận kẻ đã bắt nạt mà họ còn bực vì con mình không kể lại sự việc sớm hơn. Nhưng “tiên trách kỉ, hậu trách nhân”, cha mẹ hãy xem lại liệu mình đã đủ gần gũi với con cái chưa?
- Hãy để trẻ vui chơi trong thiên nhiên, một người mẹ tuyệt vời
Người Nhật để con trẻ tiếp xúc với môi trường thiên nhiên ngay từ nhỏ nhằm giúp tăng sức đề kháng và giúp con phát triển toàn diện. Bởi thế, khi trẻ mới 2 tháng tuổi đã được cha mẹ bế đi dạo để cảm nhận khí trời vào buổi sáng sớm. Trong chương trình học hằng ngày, hằng tuần của học sinh luôn có những buổi dạo chơi công viên, ra vườn, trồng cây, thu hoạch hay chỉ đơn giản là ngắm nhìn thời tiết, cảnh vật thay đổi. Một chìa khóa của trí thông minh mà nhiều bậc cha mẹ quên cung cấp cho con cái: đồng hành với con cái mình trong ngôi trường học của thiên nhiên. Khi cùng hòa mình vào thiên nhiên, trẻ dễ dàng có những câu chuyện tương tác với các bạn cùng lứa tuổi, từ đó khuyến khích sự phát triển về ngôn ngữ của trẻ. Cha Luigi Cocco, Dòng Salêdiêng, đã diễn tả như sau: “Thanh thiếu niên giống như những con chim sẻ: ở trong lồng chúng sẽ chết”.
Trò chơi có tầm quan trọng đặc biệt. Các nhà tâm lý cho biết: “khi còn trẻ, ai càng được chơi nhiều và chơi đúng đắn, thì sau này sẽ tỏ ra mình là người hơn”. Nhà văn Pháp Montaigne thì viết: “Trò chơi phải được coi là hoạt động hệ trọng nhất của tuổi thơ ấu”. Thời nay, trẻ em không còn chơi đùa nhiều: chúng ngồi xem tivi, điện thoại, những trò chơi điện tử, vốn dĩ chỉ đáp ứng một phần nho nhỏ nhu cầu của một trò chơi thật sự. Có lẽ bài học quan trọng nhất mà trẻ học được từ trò chơi: “Khi bị thua cuộc thì thế giới cũng không sụp đổ”, “thua keo này bày keo khác”. Ngoài ra, việc chạy nhảy, vận động ngoài trời giúp trẻ phát triển tối đa các kỹ năng vận động, giúp trẻ cứng cáp và dẻo dai hơn. Những cú ngã bất ngờ trong những lần chơi đùa sẽ giúp trẻ học cách tự đứng lên và làm chúng mạnh mẽ hơn.
IV. THAY LỜI KẾT
Người mẹ có tên là Nancy do nỗ lực của mình đã dạy dỗ, khích lệ cậu bé Thomas Edison học hành nên người và thành một thiên tài thực sự như bà tin tưởng. Đức Giáo hoàng Gioan XXIII đã từng viết thư cho cha mẹ: “Chúa đã thương ban cho con nhiều chức vụ trong Hội thánh, đi nhiều nơi, học nhiều sách, nhưng không trường nào dạy dỗ con, làm ích cho con hơn hồi con được ngồi bên chân cha mẹ”. Không ai có thể phủ nhận tầm quan trọng của việc giáo dục nơi gia đình.
Tuy thế, ngày nay, nhiều bậc cha mẹ quá thiên về kinh tế hơn việc quan tâm giáo dục con cái vì nghĩ rằng đời sống sung túc sẽ mua được hạnh phúc cho con cái. Ắt hẳn, sự lệch lạc trong định hướng giá trị của cha mẹ sẽ đẩy đưa con cái tới ngõ cụt của thất bại vì thiếu trưởng thành.
Bởi thế, việc giáo dục con cái trong gia đình phải luôn là ưu tiên hàng đầu và phải được thực hiện với sự cẩn trọng và lòng nhiệt tâm. Trong công cuộc giáo dục này, cha mẹ vừa là người thầy hướng dẫn, người bạn đồng hành, đồng thời cũng là “một tấm gương soi” cho con cái. Cho nên, các bậc cha mẹ cũng phải luôn tự giáo dục mình, uốn nắn bản thân mỗi ngày để trở nên tốt hơn. Chúng tôi xin mượn một trích đoạn trong bài suy niệm của Linh mục Mi Trầm để thay cho lời kết: “Cây tốt sinh trái tốt, xem quả biết cây”. “Cha mẹ kiêu căng, thích nổ, hay khoe khoang, làm sao dạy được con sống khiêm tốn? Cha mẹ sống coi thường mọi người làm sao dạy con biết tôn trọng ai? Cha mẹ sống tham lam ích kỷ làm sao dạy con sống rộng rãi quảng đại yêu thương giúp đỡ mọi người? Cha mẹ sống dâm dục buông thả theo xác thịt, ngoại tình làm sao dạy con cái sống tiết độ chung thủy? Cha mẹ sống dối gian lừa lọc làm sao dạy con sống trung thực? Cha mẹ sống ăn miếng trả miếng hơn thua với mọi người làm sao dạy con sống nhẫn nhịn, bao dung? Cha mẹ bất hiếu không chăm sóc phụ mẫu mình làm sao dạy con sống có hiếu với mình? Cha mẹ lười biếng không siêng năng việc đạo nghĩa làm sao dạy con biết siêng năng thờ phượng Chúa? Cha mẹ sống vô cảm không biết yêu thương làm sao dạy con biết sống yêu thương?”
Ước gì các bậc cha mẹ luôn biết để tâm dạy dỗ con cái, và đặc biệt biết dạy con bằng đời sống đạo đức và gương sáng của mình để có những “hoa trái tốt lành” cho xã hội và Giáo hội.
SÁCH THAM KHẢO CHÍNH
- Bộ Giáo Dục Công Giáo,Những định hướng cho việc giáo dục về tình yêu nhân bản – Đề cương cho việc giáo dục giới tính, 01/11/1983.
- Bruno Ferrero, SDB,Cha mẹ hạnh phúc với phương pháp giáo dục của Don Bosco, Lm. Giuse Đinh Quang Vinh chuyển ngữ, NXB Hồng Đức – 2016.
- Carlo Ambrôgiô,SDB.,Giáo dục theo gương Don Bosco,NXB Phương Đông, TP.HCM – 2015.
- Công Đồng Vaticanô II, Hiến chế mục vụGaudium et Spes (GS) – Về Giáo Hội trong Thế Giới Ngày Nay, 21/11/1964.
- Công Đồng Vaticanô II, Tuyên ngônGravissimum Educationis – Về Giáo dục Kitô Giáo, 28/10/1965.
- Gioan Phaolô II, Tông huấnFamiliaris Consortio (FC)- Về những bổn phận của gia đình Kitô hữu, 22/11/1981, bản dịch của linh mục Augustinô Nguyễn Văn Dụ, Rôma – 2001.
- Gioan Phaolô II, Lá thư gửi các gia đìnhGratissimam Sane – Lời chào thăm hết sức ưu ái, 02/02/1994.
- Hội Đồng Giám Mục Việt Nam – Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin,Catechismus Catholicae Ecclesiae – Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo (SGLC), Nhà xuất bản Tôn Giáo, Hà Nội – 2011.
- Hội Đồng Giám Mục Việt Nam – Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin,Công Đồng Vaticanô II, Nhà xuất bản Tôn Giáo, Hà Nội – 2012.
- Hội Đồng Giám Mục Việt Nam – Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin,Từ điển Công giáo,Nhà xuất bản Tôn Giáo, Hà Nội – 2016.
- Hội Đồng Tòa Thánh về Gia Đình,Enchiridion della Famiglia (EDF), Documenti Magisteriali e Pastorali su Familia e Vita 1965-2004 – Tuyển tập về Gia đình, Các tài liệu Huấn quyền và Mục vụ liên quan đến Gia đình và sự sống, Edizioni Dehoniane Bologna, Bologna 2004.
- Hội Đồng Tòa Thánh về Gia Đình,Sự thật và ý nghĩa về tính dục con người, những định hướng để giáo dục trong gia đình, bản dịch của UBMVGĐ/HĐGMVN, Nhà xuất bản Tôn Giáo, Hà Nội – 2018.
- Jean-Louis Bruguès, O.P.,Từ điển Luân lý Công giáo, C.L.D.
- Nguyễn Thị Oanh,Gia đình Việt Nam thời mở cửa, Tp. HCM: Trẻ, 1998.
- Phanxicô, Tông huấnAmoris Laetitia – Niềm vui của Tình yêu, 19/03/2016, bản dịch của Văn phòng HĐGMVN,Nhà xuất bản Tôn Giáo, Tp. HCM – 2016.
- Vũ Hòa Đức,“Giáo dục trẻ em.” Tài liệu mục vụ, Văn phòng Nghĩa binh Vĩnh Long, 1963.
Soạn xong ngày 31/01/2018, lễ thánh Gioan Boscô.
Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 105 (tháng 3 & 4 năm 2018)
Nguồn: hdgmvietnam.com
[1] Xem từ “profession” trên trang https://en.wikipedia.org/wiki/Profession
[2] Jean-Louis Bruguès, mục “Tương đối”.
[3] Từ điển Công Giáo, mục “Giáo dục”, tr. 336.
[4] Nguyên văn tiếng Ý Tông Huấn Amoris Laetitia số 16 viết: “La famiglia è il luogo dove i genitori diventano i primi maestri della fede per i loro figli. È un compito “artigianale”, da persona a persona”. Danh từ compito = phần việc, nhiệm vụ, phận sự, bổn phận. Tính từ artigianale = thủ công, truyền thống, theo truyền thống, gia truyền.
[5] Evangelium vitae số 92
[6] x. FC 38
[7] Gratissimam sane, số 6.
[8] FC 50 – 52; 39.
[9] FC 60.
[10] AL 43.
[11] AL 16.
[12] AL số 287
[13] 2 x. AL các số 11, 77, 287, 288, 289, 290.
[14] AL 192.
[15] x. AL các số 287, 288, 107, 318, 321, 323.
[16] FC 81.
[17] Hội Đồng Tòa Thánh về Gia Đình, Toàn cầu hóa, kinh tế và gia đình, cfr. EDF, n. 3178, p. 1172.
[18] SGLC số 1784.
[19] Hội Đồng Tòa Thánh về Gia Đình, “Gia đình và các quyền con người” n. 16, in EDF, n. 3450, p. 1317.
[20] FC 18.
[21] Gratissimam sane, số 7
[22] FC 36.
[23] Sự thật và ý nghĩa về tính dục con người, các số 37-40, 29-30.
[24] X. AL các số 259, 50, 136.
[25] AL số 263.
[26] AL số 276.
[27] AL 262.
[28] AL 265, x. SGLC 1806.
[29] AL 268.
[30] x. AL 280 – 286.
[31] AL 206.
[32] Sự thật và ý nghĩa về tính dục con người, số 73.
[33] AL 281-182.
[34] AL 261.
[35] x. GS 17; AL 267, 266.
[36] x. AL các số 104, 269, 270.
[37] x. AL các số 269, 270.
[38] AL số 98.
[39] x. AL các số 275, 92, 277, 148.
[40] x. AL các số 99, 100, 323.
[41] Ba từ tiếng Anh: Please = làm ơn; thank you = cảm ơn; sorry = xin lỗi; May I? = Tôi có thể?
[42] x. AL số 133.
Đăng một bình luận