Ôn lại Tiểu sử Đức Cố Giám mục Giuse Lê Quý Thanh nhân ngày giỗ 07-05 | Ban Giáo lý và Mục vụ Thiếu Nhi Phát Diệm
Tin mới nhất:

Ôn lại Tiểu sử Đức Cố Giám mục Giuse Lê Quý Thanh nhân ngày giỗ 07-05

ĐỨC GIÁM MỤC GIUSE LÊ QUÝ THANH

(1900 – 1974)

1.Thân thế

Đức Cha Giuse Lê Quý Thanh, sinh ngày 19-3-1900 tại xã An Hoà, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Ngài là em ruột Cha Phêrô Lê Quý Liêm (đã qua đời trong Nam, sau cuộc di cư năm 1954) và theo truyền tụng trong gia đình, ngài là cháu ba bốn đời của nhà bác học Lê Quý Đôn.

Hồi còn nhỏ, chú Thanh là nghĩa tử Cha già Đinh, cựu giám đốc Trường Trung Tiểu Học “Cụ Đinh” của giáo phận lúc ban đầu.

Ngài thụ phong linh mục lớp thứ nhất, do Đức Giám mục Nguyễn Bá Tòng truyền chức tại Phát Diệm, ngày 17-3-1934.

Các chức vụ và công tác trong đời linh mục của ngài:

1934-1943: giáo sư lớp 3 Tiểu Chủng viện Phúc Nhạc; 1944-1945: làm giám đốc Trường Thầy Giảng;

1945-1947: giám đốc Trường Thử tại Trì Chính;

1947-1958: làm cha chính xứ Hiếu Thuận;

1958-1959: lại về làm giáo sư các chủng sinh (ba lớp lớn), từ Phúc Nhạc đã di chuyển về Thượng Kiệm;

07-9-1959: được bổ nhiệm làm cha tổng quyền giáo phận; 1960-1964: Vì thiếu linh mục, ngài đi chính xứ Văn Hải.

(Các Đức Giám mục, linh mục và chủng sinh Phát Diệm 11-1-1932)

2.Giám mục phó Phát Diệm

Trong khi đang cai quản xứ Văn Hải, ngài được bổ nhiệm làm giám mục phó Phát Diệm và ngày 13-02-1964, cũng là ngày mồng một Tết năm Giáp Thìn, ngài được thụ phong giám mục tại Nhà thờ Chính toà Phát Diệm. Lễ truyền chức giám mục hết sức đơn giản, vì còn đang là thời loạn ly, khó khăn. Một mình Đức Cha Bùi Chu Tạo truyền chức cho ngài, không có một giám mục nào khác, chỉ có hai linh mục tham dự là Cha già Kim và Cha Vinh. Tuy nhiên, giáo dân thì đầy nhà thờ. Truyền chức xong mới công bố tin vui mừng cho toàn giáo phận.

Lễ truyền chức một giám mục như thế chỉ có “phần đạo” mà không có “phần đời”! Xưa nay, nguyên một lễ truyền chức linh mục đã là một đại lễ cho cá nhân, cho gia đình, cho địa phương. Ngoài sự chuẩn bị thiêng liêng, tinh thần, thường ra còn có cả sự chuẩn bị về phương diện bên ngoài (đón rước, tiếp tân…).

Đức Cha phó Lê Quý Thanh sống trong thầm lặng, làm việc trong bóng tối. Gặp phải thời buổi khó khăn, trong Nhà chung không có người giúp việc, chính Đức Giám mục phải tự giặt quần áo, quét nhà, biên chép sổ sách nhà thờ… Cả Toà Giám mục hồi đó chỉ còn một quyển sách “Phụng vụ của Giám mục” mà lại là của riêng Đức Cha chính Bùi Chu Tạo. Đức Cha Tạo phải cho Đức Cha phó của mình mượn chép lại từ đầu chí cuối!

Trong 10 năm làm giám mục phó, Đức Cha Thanh về Toà Giám mục Phát Diệm, chuyên lo giúp đỡ Đức Cha chính vì Đức Cha chính thường hay ốm yếu. Năm 1972, Nhà thờ Chính toà bị Mỹ ném bom, Đức Cha phó phải tản cư ra coi sóc họ Phát Ngoại. Ở đây hơn một năm trời, ngài tự túc cho mình hết mọi sự. Có chút thời giờ thảnh thơi nào thì ngài đọc sách và dọn bài giảng cho các ngày Chúa nhật và lễ trọng quanh năm. Ngài có tài hùng biện, lại thông thạo Pháp ngữ, giọng nói oai phong. Linh mục Luca Hùng Sỹ kể lại: “Lễ Phục Sinh năm 1970, vì kính mến hai Đức Giám mục, cha đi Phát Diệm có ý vào thăm viếng hai vị chủ chăn, vào giữa ngày Chúa Nhật Phục Sinh, lễ lớn nhất trong năm, vì biết trong buổi lễ trọng hôm đó, trong toà giám mục không còn linh mục nào khác, vì tất cả – chỉ còn một số ít – đã tản mát đi các xứ trong giáo phận dâng lễ cho giáo dân. Cha Hùng Sỹ vào giúp hai Đức Cha cho chịu lễ, và hôm đó phải mất 2 tiếng rưỡi đồng hồ mới xong”!

Ấy là mới kể thời gian cho chịu lễ, chưa tính cả thời giờ hành lễ. Là một công việc mục vụ quan trọng, nhưng thật vất vả. Về cuối đời, Đức Cha Lê Quý Thanh bị bệnh cao huyết, mấy lần gần bị ngất xỉu giữa nhà thờ. Con người như bộ máy thiên nhiên, ngày nào cũng lao tâm lao lực quá mức, thì dù có mạnh khỏe đến đâu, cũng phải ngã gục!

Cuối tháng 4 năm 1974, Đức Cha Lê Quý Thanh bị liệt giường độ 3 tuần lễ, rồi đã từ giã giáo phận, ra đi ngày 07-5-1974. Di hài của Đức Cha nằm lại ở gian cung thánh Nhà thờ Chính toà Phát Diệm, nơi mà hồi xưa ngài đã ra vào đọc kinh và làm việc mục vụ trong suốt 10 năm.

(Nơi an nghỉ của Đức cố Giám mục Giuse trên gian cung thánh nhà thờ Chính tòa Phát Diệm)

Lược trích từ:

Lịch Sử Giáo Phận Phát Diệm, Vinh sơn Trần Ngọc Thụ, Roma 2001.

Nguồn: phatdiem.org

 

 

 

Đăng một bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật.


*