Tài liệu học hỏi Mùa Chay 2020 | Ban Giáo lý và Mục vụ Thiếu Nhi Phát Diệm
Tin mới nhất:

Tài liệu học hỏi Mùa Chay 2020

Tải bản văn: Tài liệu học hỏi Mùa Chay 2020

GIÁO PHẬN PHÁT DIỆM

TÀI LIỆU HỌC HỎI MÙA CHAY NĂM 2020

Chủ đề chung của giáo hội Việt Nam :

ĐỐNG HÀNH VỚI GIỚI TRẺ

HƯỚNG ĐẾN SỰ TRƯỞNG THÀNH TOÀN DIỆN

Chủ đề riêng của giáo phận Phát Diệm :

CỦNG CỐ ĐỨC TIN

BAN GIÁO LÝ – GIÁO PHẬN PHÁT DIỆM

PHẦN I :

Tông huấn hậu Thượng Hội đồng Giám mục

SACRAMENTUM CARITATIS – BÍ TÍCH TÌNH YÊU

1. H. Lòng sùng kính Bí tích Thánh Thể có ý nghĩa gì?

T. Lòng sùng kính này giúp ta ý thức rằng: Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống và sứ vụ của Hội Thánh, là sự hiệp nhất của các tín hữu trong sự hiệp thông Hội Thánh. Hơn nữa, Bí tích Thánh Thể chí thánh chứa đựng tất cả của cải thiêng liêng của Hội Thánh, đó là chính Đức Kitô (số 3,15,16,65).

2. H. Điều kiện cần thiết để lãnh nhận Bí tích Thánh Thể là gì?

T. Phải được Rửa tội, Thêm sức và Xưng tội. Đây chính là việc khai tâm Kitô giáo, để được trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô. Thật vậy, chúng ta được Rửa tội và Thêm sức là nhằm mục đích lãnh nhận Bí tích Thánh Thể (17).

3. H. Bí tích Hòa Giải có mối liên hệ gì với Bí tích Thánh Thể?

T. Để có thể rước lễ cách xứng đáng, con người phải ở trong ân nghĩa của Thiên Chúa, nghĩa là được sạch tội. Do đó, Hội Thánh khuyên dạy mỗi người phải thường xuyên đi xưng tội để được Giao Hòa với Chúa, được hiệp thông trọn vẹn với Hội Thánh, để đem lại lợi ích cho chính mình và cho tha nhân (20,21).

4. H. Người bệnh tật, đau liệt, cần phải được tham dự vào Bí tích Thánh Thể cách nào?

T. Hội Thánh trao ban cho những người bệnh tật, đau liệt Bí tích Xức Dầu bệnh nhân với Của Ăn Đàng, khai mở cho bệnh nhân sự viên mãn của mầu nhiệm Vượt Qua là được sống lại với Đức Kitô trong ngày sau hết. Hơn nữa, khi lãnh nhận Bí tích Xức Dầu bệnh nhân, người đang đau yếu được nối kết với việc tự hiến của Đức Kitô để cứu độ thế giới (22).

5. H. Bí tích Thánh Thể có tầm quan trọng như thế nào đối với đời sống hôn nhân gia đình?

T. Bí tích Thánh Thể củng cố liên tục sự duy nhất và tình yêu bất khả phân ly của mọi hôn nhân Kitô giáo. Nhờ tham dự Bí tích Thánh Thể, sự ràng buộc hôn nhân giữa chồng và vợ được nối kết với sự duy nhất Thánh Thể giữa Đức Kitô là hôn phu và Hội Thánh là hôn thê (27).

6. H. Những người ly dị tái hôn có được rước lễ không?

T. Dựa vào Thánh Kinh (Mc 10,2-12), Hội Thánh không cho những người ly dị tái hôn được rước lễ, vì tình trạng và điều kiện của họ nghịch lại cách khách quan sự liên hệ tình yêu giữa Đức Kitô và Hội Thánh. Tuy nhiên, họ vẫn thuộc về Hội Thánh và dù không được rước lễ, họ được mời gọi tham dự Thánh lễ, nghe Lời Chúa, tôn thờ Bí tích Thánh Thể, cầu nguyện, thông phần vào đời sống cộng đoàn, tận tuỵ sống đức bác ái và sám hối, dấn thân trong việc giáo dục con cái.

7. H. Thánh lễ ngày Chúa Nhật quan trọng như thế nào?

T.Chúa Nhật là Ngày của Chúa Ba Ngôi, là Ngày Đức Kitô Phục Sinh và là Ngày của Hội Thánh. Do đó, các tín hữu được mời gọi nghỉ ngơi để tham dự Thánh lễ và để gặp gỡ anh chị em. Sau Kinh Chiều I, cho dù đã đi lễ chiều thứ Bảy, đã được tính về ngày Chúa Nhật, người tín hữu được mời gọi vẫn đi lễ Chúa Nhật, vì chính ngày Chúa Nhật đáng được thánh hoá, để ngày này không kết thúc như một ngày “vắng bóng Thiên Chúa” (72-73).

8. H. Làm thế nào để hiểu Lời Chúa cách đúng đắn?

T. Để hiểu Lời Chúa cách đúng đắn, ta phải được lắng nghe và đón nhận trong tinh thần hiệp thông với Hội Thánh và với nhận thức rõ ràng sự duy nhất của nó với Bí Tích Thánh Thể (32).

9. H. Ngoài việc đọc Lời Chúa ta còn có những hình thức cầu nguyện nào khác không?

T. Chúng ta còn có những hình thức cầu nguyện khác đã được truyền thống  Giáo Hội xác nhận, như: Các Giờ Kinh Phụng Vụ, nhất là Kinh Sáng, Kinh Chiều, Kinh Tối và các buổi canh thức (34).

10. H. Mục đích của bài giảng là gì?

T. Mục đích của bài giảng là tạo thuận lợi cho Lời Chúa được hiểu biết và tác dụng sâu rộng hơn trong đời sống người tín hữu (36).

11. H. Các thừa tác viên phải giảng Lời Chúa như thế nào?

T. Các thừa tác viên phải giảng làm sao để bài giảng được nối kết giữa Lời Chúa với cử hành bí tích và với đời sống của cộng đoàn, bằng cách ấy Lời Chúa thật sự trở thành nơi nương tựa và nguồn sống của Hội Thánh (37,38).

12. H. Ý nghĩa của việc dâng của lễ là gì?

T. Trong bánh và rượu chúng ta dâng lên bàn thờ mọi tạo vật đều được Đức Kitô, Đấng Cứu Độ, đón nhận để được biến đổi và dâng lên Thiên Chúa Cha. Trong cách nhìn này chúng ta cũng đưa lên bàn thờ tất cả những đau khổ và khốn cùng của thế giới, trong niềm xác tín rằng tất cả đều đáng quí trọng trước mặt Thiên Chúa (40,41).

13. H. Con người cộng tác với Thiên Chúa thế nào qua việc dâng của lễ?

T. Việc dâng của lễ làm cho chúng ta nhận ra Thiên Chúa mời gọi con người tham dự vào việc hoàn thành công trình của Ngài, và khi làm việc này, lao công của con người có được một ý nghĩa tràn đầy, bởi vì qua cử hành Thánh Thể, lao công của con người được kết hợp với hiến tế cứu độ của Đức Kitô (41).

14. H. Những yếu tố cơ bản của mỗi Kinh Nguyện Thánh Thể là gì?

T. Những yếu tố cơ bản của mỗi kinh nguyện Thánh Thể là: hành động tạ ơn, tuyên xưng, cầu khẩn Chúa Thánh Thần, tường thuật việc thiết lập Bí tích Thánh Thể, thánh hiến, tưởng niệm, dâng hiến, chuyển cầu và vinh tụng ca kết thúc (42).

15. H. Cử chỉ chúc bình an diễn tả điều gì?

T. Cử chỉ này đã trở nên quan trọng đặc biệt, khi Hội Thánh không ngừng ý thức trách nhiệm của mình là cầu xin ơn bình an và hợp nhất cho chính mình và cho toàn thể gia đình nhân loại (46).

16. H. Các thừa tác viên phải chuẩn bị cho việc trao Mình Thánh như thế nào?

T. Các thừa tác viên có chức thánh và những ai, sau khi đã được chuẩn bị hoặc trong trường hợp cần thiết thật sự, được ban tác vụ trao Mình Thánh, cố gắng hết sức để hành động đơn sơ này nói lên tầm quan trọng của nó là sự gặp gỡ cá nhân với Chúa Giêsu trong bí tích (47).

17. H. Ta cần làm gì sau khi rước lễ?

T. Chúng ta không nên bỏ qua những giây phút cám ơn rất quý báu sau hiệp lễ: ngoài việc hát một bài thánh ca thích hợp, việc thinh lặng cũng rất ích lợi cho cộng đoàn (48).

18. H. Lời giải tán : “Lễ xong, chúc anh chị em đi bình an!” mời gọi chúng ta làm gì?

T. Những lời này giúp chúng ta hiểu được mối liên hệ giữa Thánh Lễ vừa được cử hành và sứ mệnh của các kitô hữu trong thế giới. Những lời này diễn tả cách súc tích sứ mệnh truyền giáo của Hội Thánh (50).

19. H. Công Đồng Vaticanô II nhấn mạnh thái độ nào, khi toàn thể dân Chúa tham dự Thánh lễ?

T. Công Đồng nhấn mạnh thái độ tham dự tích cực, ý thức và hữu hiệu.

20. H. Tham dự với thái độ tích cực, ý thức và hữu hiệu, nghĩa là thế nào?

T. Nghĩa là ta phải chú ý lắng nghe Lời Chúa, hiệp dâng chính mình làm của lễ, sốt sắng rước lễ và hết lòng tạ ơn Chúa. Có như vậy, ta mới trưởng thành trong tình mến Chúa và yêu người.

21. H. Thái độ tham dự như thế còn cho ta thấy điều gì?

T. Còn cho ta thấy vẻ đẹp và sự hài hoà của phụng vụ, được diễn ra trong trật tự giữa các vai trò phẩm trật khác nhau.

22. H. Các vai trò phẩm trật khác nhau là những vai trò nào?

T. Đó là vai trò của Đức Giám mục và các linh mục chủ tọa toàn bộ cử hành Thánh Thể, từ lời chào đầu lễ đến phép lành cuối lễ. Nhờ bí tích Truyền chức thánh, các Ngài trở thành đại diện của Chúa Kitô.

23. H. Ngoài ra còn có các vai trò nào nữa không?

T. Có vai trò của thầy phó tế là người trợ giúp Đức Giám mục và các linh mục, với các bổn phận công bố Tin Mừng, đôi khi giảng lễ, cho rước lễ. Ngoài ra, một số tu sĩ hay giáo dân cũng được trao tác vụ đọc sách và cho rước lễ.

24. H. Để thúc đẩy thái độ tham dự tích cực, Công Đồng Vaticanô II còn nhấn mạnh điều gì ?

T. Công Đồng còn nhấn mạnh việc thích nghi phụng vụ trong các bối cảnh văn hóa khác nhau, phù hợp với thực tế của Hội Thánh, và cùng cử hành mầu nhiệm duy nhất của Đức Kitô.

25. H. Vì sao Giáo hội phải thích nghi phụng vụ trong các bối cảnh khác nhau?

T. Vì Đức Giêsu Kitô đã nhập thể làm người để cứu độ toàn thể nhân loại. Vì thế, Ngài không chỉ có liên hệ trực tiếp với nền văn hóa Do thái, mà còn tới niềm mong đợi của tất cả mọi dân tộc.

26.H. Qua mầu nhiệm nhập thể, Chúa Giêsu còn muốn tỏ cho ta thấy điều gì?

T. Người còn cho thấy rằng Thiên Chúa ao ước gặp chúng ta trong hoàn cảnh cụ thể từng người. Vì thế, chúng ta cần tham dự tích cực hơn vào cử hành phụng vụ theo hướng hội nhập văn hóa của Hội thánh.

27. H. Như vậy phải cử hành Thánh Thể trong nhóm nhỏ như thế nào?

T. Những cuộc cử hành như thế phải hoà hợp với toàn bộ hoạt động mục vụ của Giáo hội địa phương. Các nhóm nhỏ phải giúp hợp nhất, chứ không được chia cắt cộng đoàn.

28. H. Ta phải tôn thờ Chúa Kitô ngự trong bí tích Thánh Thể thế nào?

T. Ta phải bày tỏ lòng tin bằng thái độ cung kính thờ lạy Chúa đang ngự thật trong Bí tích Thánh Thể, khao khát rước Chúa, năng tham dự thánh lễ, viếng Thánh Thể và chầu Thánh Thể.

29. H. Thánh Lễ và việc Chầu Thánh Thể có liên hệ gì?

T. Giữa Thánh Lễ và việc Chầu Thánh Thể có một mối liên hệ khăng khít. Thánh Lễ chính là hành vi tôn thờ Chúa Giêsu lớn lao nhất. Việc Chầu Thánh Thể là sự kéo dài và đề cao Thánh Lễ ta cử hành, đưa ta đi sâu vào Mầu nhiệm Vượt Qua, bày tỏ niềm tin yêu, biết ơn đối với Chúa Giêsu hiện diện thực sự trong Bí Tích Thánh Thể. Thánh Âu tinh nói: “Không ai ăn Lương Thực này nếu không tôn thờ trước”.

30. H. Việc chầu Thánh Thể có mục đích gì?

T. Việc Chầu Thánh Thể có ba mục đích này:

-Một là nhìn nhận sự hiện diện kỳ diệu của Chúa Kitô trong chính bí tích Thánh Thể.

– Hai là dẫn ta tiến đến sự tham dự đầy đủ hơn trong việc cử hành Bí Tích Thánh Thể mà đỉnh cao là việc rước lễ.

– Ba là nuôi dưỡng lòng tin và việc tôn thờ đối với Chúa Kitô trong tinh thần và chân lý.

31. H. Ai mời gọi chúng ta đến chầu Thánh Thể?

T. Chính Chúa Giêsu, Bạn hữu tốt nhất của chúng ta, mời gọi chúng ta. Người đã nói rất thiết tha rằng: Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho bồi dưỡng nghỉ ngơi.

32. H. Tông huấn Bí Tích Tình Yêu mời gọi chầu Thánh Thể thế nào?

T. Tông huấn Bí Tích Tình Yêu khuyến khích việc Chầu Thánh thể cá nhân hay cộng đoàn; kêu gọi nên tổ chức việc chầu Thánh Thể trong thời gian liên tục. Đồng thời, Đức Thánh Cha cũng khuyến khích các dòng tu, các hiệp hội giáo dân và các thành phần dân Chúa khác, thực hành việc đạo đức quan trọng này.

33. H. Ta có thể sùng kính Thánh Thể bằng những hình thức nào?

T. Ta có thể sùng kính bằng những hình thức này:

– Một là rước kiệu Thánh Thể

– Hai là đại hội Thánh Thể

– Ba là trưng bày Thánh Thể cách trọng thể và Phép Lành với Mặt Nhật hào quang

– Bốn là viếng Thánh Thể

– Năm là làm giờ Thánh cầu nguyện trước Thánh Thể

– Sáu là Chầu Thánh Thể liên tục, xưa gọi là chầu Bốn Mươi Giờ

– Bảy là Chầu Lượt.

34. H. Ta phải làm gì khi nhận Phép Lành Thánh Thể?

T. Khi nhận Phép Lành Thánh Thánh Thể ta phải quỳ gối, cúi đầu để biểu lộ sự khiêm hạ của con người trước Thiên Chúa cao cả và thái độ nội tâm của mình là cung kính, tôn thờ Thánh Thể. Đồng thời, chúng ta làm dấu Thánh Giá trên mình để đi vào trong quyền năng chúc lành của Đức Giêsu Kitô.

…………………………………………………………….

NHỮNG CÂU HỎI THỰC TẾ

LIÊN QUAN ĐẾN NGÀY CHẦU LƯỢT

1. H. Ngày Chầu lượt là gì?

T. Ngày Chầu lượt là ngày cộng đoàn Dân Chúa tại các giáo xứ trong giáo phận luân phiên chầu Mình Thánh Chúa liên tục cả ngày, để nhờ đó củng cố đức tin và canh tân đời sống.

2. H. Ngày Chầu lượt có mục đích gì?

T. Ngày Chầu lượt có mục đích này :

–        một là để tôn thờ Chúa Giêsu Phục sinh đang ở với Hội Thánh mọi ngày cho đến tận thế;

–        hai là để đền tạ về tội lỗi của chính mình, của mọi tín hữu trong Hội Thánh, và của toàn thể nhân loại;

–        balà để cầu xin Chúa ban những ơn lành cần thiết cho tất cả mọi thành phần Dân Chúa và cho những người chưa biết Chúa.

3. H. Trong dịp Chầu lượt ta phải làm gì?

T. Trong dịp Chầu lượt ta phải làm những việc này:

–        một là tham dự tĩnh tâm và xưng tội để chuẩn bị tâm hồn;

–        hai là sốt sắng chầu Thánh Thể và rước kiệu tôn vinh Thánh Thể;

–        ba là tham dự thánh lễ và rước lễ.

4. H. Trong dịp Chầu lượt ta phải tránh điều gì?

T. Ta phải tránh những điều này:

–        một là không biến dịp Chầu lượt thành ngày hội vui, nhưng luôn giữ bầu khí linh thánh trang nghiêm;

–        hai là không tổ chức cỗ bàn tiệc tùng, nhưng chỉ ăn cơm đơn giản như thường ngày.

PHẦN II : GIÁO LÝ

MỤC THỨ HAI – MƯỜI ĐIỀU RĂN

BÀI 58 – MƯỜI ĐIỀU RĂN

“Hãy tuân giữ các huấn lệnh của Đức Chúa, Thiên Chúa của con, mà đi theo đường lối của Người, là giữ các giới răn, mệnh lệnh, luật pháp, và chỉ thị của Người, như đã ghi trong Luật Môsê. Như thế con sẽ thành công trong mọi việc con làm và trong mọi hướng con đi”. (1 V 2,3).

1. H. Chúa Giêsu dạy chúng ta phải làm gì để được sự sống đời đời?

T. Chúa Giêsu dạy chúng ta phải tuân giữ các điều răn và bước theo Ngài để được sự sống đời đời. [434]

2. H. Chúa Giêsu giải thích Lề Luật thế nào?

T. Chúa Giêsu giải thích Lề Luật dưới ánh sáng của điều răn yêu thương là mến Chúa yêu người. [435]

3. H. “Mười Điều Răn” là gì?

T. Mười Điều Răn là “mười lời” tóm tắt Lề Luật mà Thiên Chúa ban cho dân Ítraen qua ông Môsê tại núi Sinai, trong khung cảnh của Giao ước. [436]

4. H. Mười Điều Răn Chúa dạy là những điều nào?

T. Là những điều này:

  – Thứ nhất thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự;

  – Thứ hai chớ kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ;

  – Thứ ba giữ ngày Chúa Nhật;

  – Thứ bốn thảo kính cha mẹ;

  – Thứ năm chớ giết người;

  – Thứ sáu chớ làm sự dâm dục;

  – Thứ bảy chớ lấy của người;

  – Thứ tám chớ làm chứng dối;

  – Thứ chín chớ muốn vợ chồng người;

  – Thứ mười chớ tham của người.

5. H. Mười Điều Răn có liên hệ với Giao ước thế nào?

T. Mười Điều Răn là thành phần của Giao ước và chỉ có ý nghĩa đích thực nhờ Giao ước. [437]

6. H. Hội Thánh dành cho Mười Điều Răn tầm quan trọng nào?

T. Hội Thánh nhìn nhận Mười Điều Răn có tầm quan trọng và ý nghĩa hàng đầu, đồng thời buộc người Kitô hữu phải tuân giữ các điều răn ấy. [438]

7. H. Vì sao mọi người phải tuân giữ Mười Điều Răn?

T. Vì Mười Điều Răn trình bày những bổn phận căn bản của con người đối với Thiên Chúa và tha nhân. [440]

 8. H. Vì sao  chúng ta có thể tuân giữ Mười Điều Răn?

T. Vì Đức Kitô đã ban cho chúng ta Thánh Thần và ân sủng của Ngài. [441]

CHƯƠNG MỘT

“NGƯƠI PHẢI YÊU MẾN ĐỨC CHÚA,

THIÊN CHÚA CỦA NGƯƠI,

HẾT LÒNG, HẾT LINH HỒN VÀ HẾT TRÍ KHÔN NGƯƠI”

BÀI 59 – ĐIỀU RĂN THỨ NHẤT: TA LÀ ĐỨC CHÚA, THIÊN CHÚA CỦA NGƯƠI, NGƯƠI KHÔNG ĐƯỢC CÓ THẦN NÀO KHÁC

“Đức Giêsu đáp: Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, và hết trí khôn ngươi” (Mt 22,37).

 9. H. Điều răn thứ nhất dạy chúng ta sự gì?

T. Điều răn thứ nhất dạy chúng ta phải thờ phượng một Thiên Chúa và kính mến Ngài trên hết mọi sự. [442]

10. H. Chúng ta phải làm gì để thờ phượng Thiên Chúa?

T. Chúng ta phải tin kính, trông cậy và yêu mến Ngài. [442]

11. H. Chúng ta phải tin kính Thiên Chúa thế nào?

T. Chúng ta phải tin kính Thiên Chúa hết lòng, không được nghi ngờ hoặc chối bỏ những gì Ngài đã mạc khải và Hội Thánh truyền dạy. [442]

12. H. Chúng ta phải làm gì để lớn lên trong đức tin?

T. Chúng ta phải học hỏi giáo lý, siêng năng cầu nguyện, sống và thông truyền đức tin. [GLHTCG 2088]

13. H. Có những tội nào nghịch lại đức tin?

T. Có những tội này:

  – Một là thờ ơ không chịu tìm hiểu các chân lý mạc khải;

  – Hai là cố ý nghi ngờ hoặc chối bỏ các chân lý ấy, mà trở thành rối đạo, bỏ đạo hoặc ly khai khỏi Hội Thánh. [442]

14. H. Hội Thánh Công Giáo có ngăn cấm việc thờ cúng tổ tiên không?

T. Hội Thánh Công Giáo chẳng những không ngăn cấm mà còn khuyến khích các tín hữu bày tỏ lòng tôn kính và hiếu thảo đối với tổ tiên, miễn là cách thức biểu lộ phù hợp với đức tin công giáo (x. Thông cáo HĐGMVN, Đà Lạt, 14.6.1965).

15. H. Chúng ta phải trông cậy Thiên Chúa thế nào?

T. Chúng ta phải luôn trông cậy vững vàng, phó thác mọi sự trong tay Chúa, để được Ngài ban phúc lành đời này và đời sau. [GLHTCG 2090]

16. H. Có những tội nào phạm đến đức cậy?

T. Có ba tội này:

  – Một là ỷ vào tình thương của Chúa mà không chịu hoán cải;

  – Hai là thất vọng mà buông theo đàng tội lỗi;

  – Ba là chỉ dựa vào sức riêng của mình mà thôi. [442]

17. H. Chúng ta phải yêu mến Thiên Chúa thế nào?

T. Chúng ta phải yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết sức, trên hết mọi sự, cùng vâng theo thánh ý Ngài, để đáp lại tình Ngài thương ta. [442]

18. H. Chúng ta phải làm gì để yêu mến Thiên Chúa?

T. Chúng ta phải tôn thờ Thiên Chúa, cầu nguyện, dâng lễ và chu toàn các lời khấn hứa với Thiên Chúa. [443]

19. H. Việc nào tôn thờ Thiên Chúa hoàn hảo nhất?

T. Thánh lễ là việc tôn thờ Thiên Chúa hoàn hảo nhất, vì nhờ đó chúng ta kết hợp với hy lễ của Đức Kitô. [443]

20. H. Có những tội nào nghịch lại đức mến?

T. Có những tội này:

  – Một là dửng dưng trước tình yêu của Thiên Chúa;

  – Hai là vô ơn không đáp lại tình yêu của Ngài;

  – Ba là lười biếng không chu toàn bổn phận đối với Thiên Chúa;

  – Bốn là thù ghét và chống lại Ngài. [442]

21. H. Vì sao con người có quyền thờ phượng Thiên Chúa trong chân lý và tự do?

T. Vì phẩm giá con người cho họ quyền tự do tìm kiếm và gắn bó, đón nhận và trung thành với chân lý, qua việc dâng lên Thiên Chúa một sự thờ phượng đích thực. [444].

22. H. Có những tội nào nghịch lại điều răn thứ nhất?

T. Có những tội này:

  – Một là tôn thờ tà thần và các loài thụ tạo;

  – Hai là mê tín dị đoan;

  – Ba là thử thách Thiên Chúa, phạm sự thánh hay buôn thần bán thánh;

  – Bốn là chối bỏ Thiên Chúa;

  – Năm là cho rằng con người không thể biết gì về Thiên Chúa. [445].

23. H. Vì sao chúng ta có thể tôn kính ảnh tượng?

T. Vì Con Thiên Chúa đã làm người, nên chúng ta có thể dùng ảnh tượng để dễ hướng tâm hồn lên cùng Thiên Chúa, Đức Mẹ và các Thánh mà noi gương các Ngài. [446]

.

BÀI 60 – ĐIỀU RĂN THỨ HAI: NGƯƠI KHÔNG ĐƯỢC KÊU TÊN THIÊN CHÚA CÁCH BẤT XỨNG.

 “Ngươi không được dùng danh Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, một cách bất xứng, vì Đức Chúa không dung tha kẻ dùng danh Người một cách bất xứng”. (Xh 20,7).

24. H. Điều răn thứ hai dạy chúng ta sự gì?

T. Điều răn thứ hai dạy chúng ta phải tôn kính Danh Chúa, vì Danh Ngài là Thánh. [447].

25. H. Chúng ta phải tôn kính Danh Chúa thế nào?

T. Chúng ta phải kêu cầu, chúc tụng, ca ngợi và tôn vinh Danh Chúa. [447].

 26. H.  Có những tội nào nghịch lại điều răn thứ hai?

T. Có những tội này:

  – Một là lấy Danh Chúa làm chứng cho tội ác như thề gian, bội thề;

  – Hai là sử dụng Danh Chúa cách bất xứng như kêu tên Chúa vô cớ, lộng ngôn, nguyền rủa và không tuân giữ những lời hứa nhân danh Chúa. [447].

27. H. Vì sao chúng ta không được thề gian?

T. Vì khi thề gian, chúng ta nại đến Thiên Chúa là chân lý để làm chứng cho lời nói dối. [448].

28. H. Vì sao chúng ta không được bội thề?

T. Vì khi bội thề, chúng ta xúc phạm đến Thiên Chúa là Đấng luôn trung thành với lời Ngài đã hứa. [449].

BÀI 61 – ĐIỀU RĂN THỨ BA: NGƯƠI PHẢI THÁNH HÓA NGÀY CỦA ĐỨC CHÚA

“Ngươi hãy nhớ ngày sabát, mà coi đó là ngày thánh. Trong sáu ngày, ngươi sẽ lao động và làm mọi công việc của ngươi. Còn ngày thứ bảy là ngày sabát kính Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi”. (Xh 20,8-10a).

29. H. Điều răn thứ ba dạy chúng ta sự gì?

T. Điều răn thứ ba dạy chúng ta phải thánh hóa Chúa Nhật và các ngày lễ buộc. [453]

30. H. Chúa Nhật nghĩa là gì?

T. Chúa Nhật là ngày của Chúa theo hai nghĩa này:

  – Một là nhắc nhở việc sáng tạo mới, được thực hiện nhờ cuộc Phục sinh của Đức Kitô;

  – Hai là hoàn tất ý nghĩa ngày lễ nghỉ của dân Do Thái và loan báo sự nghỉ ngơi muôn đời nơi Thiên Chúa. [452].

31. H. Chúng ta phải làm gì để thánh hóa Chúa Nhật và các ngày lễ buộc?

T.  Chúng ta phải tham dự Thánh lễ, tránh mọi hoạt động làm ngăn trở việc thờ phượng Thiên Chúa hay làm mất đi niềm vui trong ngày của Chúa, cũng như sự nghỉ ngơi cần thiết cho tinh thần và thể xác. [453].

32. H. Vì sao chúng ta phải kiêng việc xác hay tránh lao động vào Chúa Nhật và các ngày lễ buộc?

T. Vì khi lập ra Chúa Nhật, Thiên Chúa muốn mọi người có thời giờ nghỉ ngơi và giải trí, để có thể chăm lo đời sống gia đình, văn hóa, xã hội và tôn giáo. [GLHTCG 2184].

33. H. Khi nào chúng ta được miễn chuẩn kiêng việc xác hay được lao động vào Chúa Nhật và các ngày lễ buộc?

T. Chúng ta được miễn chuẩn kiêng việc xác hay được lao động vào Chúa Nhật và các ngày lễ buộc, khi có trách nhiệm gia đình và nghĩa vụ xã hội quan trọng. [GLHTCG 2185].

34. H. Chúng ta phải tham dự Thánh lễ Chúa Nhật thế nào cho đúng luật Hội Thánh?

T.  Chúng ta phải tích cực tham dự Thánh lễ từ đầu đến cuối. Ai cố tình bỏ lễ Chúa Nhật mà không có lý do chính đáng thì mắc tội trọng. [GLHTCG 2180-2181].

35. H. Chúng ta nên làm gì khi có lý do chính đáng mà không thể tham dự Thánh lễ Chúa Nhật?

T. Chúng ta nên cử hành phụng vụ Lời Chúa, cầu nguyện, và làm việc lành. [GLHTCG 2183].

36. H. Vì sao người Kitô hữu phải làm cho luật dân sự công nhận Chúa Nhật là ngày lễ nghỉ?

T. Vì Chúa Nhật giúp mọi người có thời gian để nghỉ ngơi và chăm lo việc tôn giáo, gia đình, văn hóa và xã hội. [454].

PHẦN III

CÁC KINH CẦN

Kinh sáng tỐI ngày thưỜng

Kinh TruyỀn Tin

          Đức Chúa Trời sai Thánh Thiên Thần truyền tin cho rất Thánh Đức Bà Maria.

–        Và rất Thánh Đức Bà chịu thai bởi phép Đức Chúa Thánh Thần.

Kính mừng. . .

Thánh Maria. . .

–        Này tôi là tôi tá Đức Chúa Trời.

–        Tôi xin vâng như lời Thánh Thiên Thần truyền.

Kính mừng. . .

Thánh Maria. . .

–        Chốc ấy Ngôi Thứ Hai xuống thế làm người

–        Và ở cùng chúng con.

Kính mừng. . .

Thánh Maria. . .

–        Lạy rất Thánh Đức Mẹ Chúa Trời xin cầu cho chúng con.

–        Đáng chịu lấy những sự Chúa Kitô đã hứa.

Lạy Chúa, chúng con xin Chúa ban ơn xuống trong linh hồn chúng con là kẻ đã nhờ lời Thánh Thiên Thần truyền mà biết thật Chúa Kitô là Con Chúa đã xuống thế làm người, thì xin vì công ơn Con Chúa chịu nạn chịu chết trên cây Thánh giá cho chúng con ngày sau, khi sống lại được đến nơi vinh hiển. Cũng vì công nghiệp Chúa Kitô là Chúa chúng con. Amen.

Kinh LẠy NỮ Vương Thiên Đàng

Lạy Nữ Vương Thiên Đàng hãy vui mừng. Allêluia.

– Vì Đấng Mẹ đã đáng cưu mang trong lòng. Allêluia.

– Người đã sống lại thật như lời đã phán hứa. Allêluia.

– Xin cầu cùng Chúa cho chúng con. Allêluia.

– Lạy Nữ Đồng Trinh Maria, hãy hỉ hoan vui mừng. Allêluia.

– Vì Chúa đã sống lại thật. Allêluia.

          Lạy Chúa là Đấng đã làm cho thiên hạ được vui mừng quá bội, bởi Đức Chúa Giêsu Kitô là Con Chúa, cùng là Chúa chúng con đã sống lại, xin vì Đức Nữ Đồng Trinh Maria là Thánh Mẫu Người nguyện cầu, cho chúng con được hưởng phúc vui vẻ hằng sống đời đời. Vì công nghiệp Chúa Kitô là Chúa chúng con. Amen.

Kinh ĐỨc Chúa Thánh ThẦn

Chúng con lạy ơn Đức Chúa Thánh Thần thiêng liêng sáng láng vô cùng.

Chúng con xin Đức Chúa Thánh Thần xuống đầy lòng chúng con là kẻ tin cậy Đức Chúa Trời, và đốt lửa kính mến Đức Chúa Trời trong lòng chúng con, chúng con xin Đức Chúa Trời cho Đức Chúa Thánh Thần xuống.

–        Sửa lại mọi sự trong ngoài chúng con.

Chúng con cầu cùng Đức Chúa Trời xưa đã cho Đức Chúa Thánh Thần xuống soi lòng dạy dỗ các Thánh Tông đồ, thì rày chúng con cũng xin Đức Chúa Trời cho Đức Chúa Thánh Thần lại xuống yên ủi, dạy dỗ chúng con làm những việc lành. Vì công nghiệp vô cùng Đức Chúa Giêsu Kitô là Chúa chúng con. Amen.

Kinh sẤp mình

Lạy Chúa, con sấp mình xuống trước mặt Chúa. Con tin thật Chúa ở khắp mọi nơi, thông biết mọi sự, hằng xem thấy con, hằng nghe lời con cầu nguyện. Xin Chúa rất nhân từ hãy đoái xem sự nghèo ngặt con và nhận lời con nguyện.

Lạy Chúa, xin hãy mở miệng lưỡi con ra, thì con sẽ cao rao những lời ngợi khen Chúa.

DẤu thánh giá

Lạy Chúa chúng con, vì dấu + Thánh giá, xin chữa + chúng con cho khỏi + kẻ thù. Nhân danh Cha + và Con và Thánh Thần. Amen.

Kinh sáng danh

Sáng danh Đức Chúa Cha, và Đức Chúa Con, và Đức Chúa Thánh Thần. Như đã có trước vô cùng và bây giờ, và hằng có, và đời đời chẳng cùng. Amen.

Kinh thỜ lẠy

Lạy Chúa, con là vật phàm hèn cùng là không trước mặt Chúa. Con hết lòng thờ lạy và nhận thật Chúa là đầu cội rễ mọi sự, là cùng sau hết mọi loài; Chúa đã dựng nên con cùng thật là Chúa con nữa, thì con xin dâng linh hồn và xác cùng mọi sự trong ngoài con ở trong tay Chúa. Amen.

Kinh đỘi ơn

Lạy Chúa, con đội ơn Chúa vì những ơn lành Chúa đã ban cho con xưa nay, nhất là đã dựng nên con và cho Con Chúa chịu chết mà cứu chuộc con, lại chọn lấy con làm con Hội Thánh nữa. Amen.

Kinh tin

Lạy Chúa, con tin thật có một Đức Chúa Trời, là Đấng thưởng phạt vô cùng, con lại tin thật Đức Chúa Trời có Ba Ngôi, mà Ngôi Thứ Hai đã xuống thế làm người chịu nạn chịu chết mà chuộc tội cho thiên hạ. Bấy nhiêu điều ấy cùng các điều Hội Thánh dạy, thì con tin vững vàng vì Chúa là Đấng thông minh và chân thật vô cùng đã phán truyền cho Hội Thánh. Amen.

Kinh cẬy

Lạy Chúa, con trông cậy vững vàng vì công nghiệp Đức Chúa Giêsu thì Chúa sẽ ban ơn cho con giữ đạo nên ở đời này, cho ngày sau được lên Thiên Đàng xem thấy mặt Đức Chúa Trời hưởng phúc đời đời, vì Chúa là Đấng phép tắc và lòng lành vô cùng đã phán hứa sự ấy, chẳng có lẽ nào sai được. Amen.

Kinh kính mẾn

Lạy Chúa, con kính mến Chúa hết lòng hết sức, trên hết mọi sự, vì Chúa là Đấng trọn tốt trọn lành vô cùng; lại vì Chúa thì con thương yêu người ta như mình con vậy. Amen.

Kinh lẠy cha

Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.

Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày, và tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con, xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi mọi sự dữ. Amen.

Kinh kính mỪng

Kính mừng Maria đầy ơn phúc. Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ.

Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử. Amen.

Kinh tin kính

Tôi tin kính Đức Chúa Trời, là Cha phép tắc vô cùng dựng nên trời đất.

Tôi tin kính Đức Chúa Giêsu Kitô là Con Một Đức Chúa Cha cùng là Chúa chúng tôi, bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà Người xuống thai, sinh bởi Bà Maria đồng trinh, chịu nạn thời Phongxiô-Philatô, chịu đóng đanh trên cây Thánh giá, chết và táng xác; xuống ngục tổ tông, ngày thức ba bởi trong kẻ chết mà sống lại, lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng; ngày sau bởi trời lại xuống phán xét kẻ sống và kẻ chết.

Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần.

Tôi tin có Hội Thánh hằng có ở khắp thế này, các Thánh thông công.

Tôi tin phép tha tội.

Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại.

Tôi tin hằng sống vậy. Amen.

Kinh trưỚc khi xét mình

Lạy Chúa là sự sáng linh hồn con xin soi sáng cho con được biết mọi tội con đã phạm trong ngày hôm nay, hoặc lo, hoặc nói, hoặc làm điều gì lỗi nghĩa cùng Chúa. Con lại xin Chúa vì công nghiệp Đức Chúa Giêsu ban ơn cho con được ăn năn ghét tội cùng dốc lòng chừa thật. Amen.

Kinh thú nhẬn

Tôi thú nhận cùng Thiên Chúa toàn năng, và cùng anh chị em, tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu sót (đấm ngực ba lần ). Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng. Vì vậy tôi xin Rất Thánh Đức Bà Maria trọn đời đồng trinh, các Thiên thần, các Thánh và anh chị em khẩn cầu cho tôi trước toà Thiên Chúa, Chúa chúng ta.

Kinh ăn năn tỘi

Lạy Chúa, Chúa là Đấng trọn tốt, trọn lành vô cùng, Chúa đã dựng nên con và cho Con Chúa ra đời, chịu nạn chị chết vì con, mà con đã cả lòng phản nghịch lỗi nghĩa cùng Chúa, thì con lo buồn đau đớn cùng chê ghét mọi tội con trên hết mọi sự. Con dốc lòng chừa cải, và nhờ ơn Chúa thì con sẽ tránh xa dịp tội cùng làm việc đền tội cho xứng. Amen.

Kinh phù hỘ

Chúng con thờ lạy ngợi khen Chúa là Đấng có phép tắc vô cùng đã thương để chúng con đến sớm mai nay, thì xin Chúa xuống ơn phù hộ cho chúng con trót ngày hôm nay khỏi sa phạm tội gì. Lại xin Chúa sửa sự lo, lời nói, việc làm chúng con hằng nên trọn lành theo ý Chúa. Vì công nghiệp Đức Chúa Giêsu, là Đấng hằng sống hằng trị cùng Đức Chúa Cha và Đức Chúa Thánh Thần đời đời chẳng cùng. Amen.

Kinh sáng soi

Cúi xin Chúa sáng soi cho chúng con được biết việc phải làm, cùng khi làm xin Chúa giúp đỡ cho mỗi kinh mỗi việc chúng con từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa. Amen.

Kinh thánh thiên thẦn bẢn mỆnh

Con thân Đức Thánh Thiên Thần, tính thiêng liêng sáng láng, con cám ơn Đức Thánh Thiên Thần giữ con từ thuở mới sinh đến nay cho khỏi tay quỷ. Đức Thánh Thiên Thần là thầy con mở lòng cho con biết được Đạo Thánh Chúa trời đất. Vì vậy con cầu cùng Đức Thánh Thiên Thần giữ con ban ngày, xem con ban đêm, cho đến trọn đời, kẻo ma quỷ dữ cám dỗ được con. Con lạy Đức Thánh Thiên Thần khẩn nguyện cho con thông minh sáng láng, giữ mười sự răn, chừa mọi sự dữ; đến khi con lâm chung, xin cùng Đức Chúa Trời cho linh hồn con được lên ở cùng Đức Chúa Trời và Thánh Thiên Thần hằng sống vui vẻ đời đời chẳng cùng. Amen.

Kinh lẠy nỮ vương

Lạy Nữ Vương Mẹ nhân lành làm cho chúng con được sống, được vui, được cậy. Thân lạy Mẹ, chúng con con cháu Evà ở chốn khách đày kêu đến cùng Bà, chúng con ở nơi khóc lóc than thở kêu khẩn Bà thương. Hỡi ôi! Bà là Chúa bầu chúng con, xin ghé mặt thương xem chúng con. Đến sau khỏi đày xin cho chúng con được thấy Đức Chúa Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ.

Ôi! Khoan thay! Nhân thay! Dịu thay! Thánh Maria trọn đời đồng trinh. Amen.

Kinh lẠy thánh mẪu

Lạy Thánh Mẫu Maria là Mẹ rất nhân từ. Mẹ thông ơn Chúa, xin chữa chúng con cho khỏi tay kẻ dữ cùng xin ghé mặt thương xem trong thì lâm tử. Amen.

Kinh cám ơn

Con cám ơn Đức Chúa Trời là Chúa lòng lành vô cùng, chẳng bỏ con chẳng để con không đời, mà lại sinh ra con cho con được làm người cùng hằng gìn giữ con, hằng che chở con, lại cho Ngôi Hai xuống thế làm người chuộc tội chịu chết trên cây Thánh giá vì con, lại cho con được Đạo Thánh Đức Chúa Trời, cùng chịu nhiều ơn nhiều phép Hội Thánh nữa, và đã cho phần xác con đêm nay được mọi sự lành (tối thì đọc: và đã cho phần xác con ngày hôm nay được mọi sự lành ) lại cứu lấy con kẻo phải chết tươi ăn năn tội chẳng kịp. Vậy các Thánh ở trên Nước Thiên Đàng cám ơn Đức Chúa Trời thể nào, thì con cũng hợp cùng các Thánh mà dâng cho Chúa cùng cám ơn như vậy. Amen.

Kinh trông cẬy

Chúng con trông cậy Rất Thánh Đức Mẹ Chúa Trời, xin chớ chê chớ bỏ lời chúng con nguyện trong cơn gian nan thiếu thốn; Đức Nữ Đồng Trinh, hiển vinh sáng láng.

–        Hằng chữa chúng con cho khỏi sự dữ. Amen.

Lạy rất Thánh trái tim Đức Chúa Giêsu.

–        Thương xót chúng con.

Lạy Trái tim cực thanh cực tịnh Rất Thánh Đức Bà Maria.

–        Cầu cho chúng con.

Lạy ông Thánh Giuse là bạn thanh sạch Đức Bà Maria trọn đời đồng trinh.

–        Cầu cho chúng con.

Kinh ngày Chúa nhẬt

Kinh MưỜi ĐiỀu Răn

Đạo Đức Chúa Trời Có Mười Điều Răn

Thứ nhất: Thờ phượng một Đức Chúa Trời, và kính mến Người trên hết mọi sự.

Thứ hai: Chớ kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ.

Thứ ba: Giữ ngày Chủ nhật.

Thứ bốn: Thảo kính cha mẹ.

Thứ năm: Chớ giết người.

Thứ sáu: Chớ làm sự dâm dục.

Thứ bảy: Chớ lấy của người.

Thứ tám: Chớ làm chứng dối.

Thứ chín: Chớ muốn vợ, chồng người.

Thứ mười: Chớ tham của người.

          Mười điều răn ấy tóm về hai này mà chớ: Trước kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự, sau lại yêu người như mình ta vậy. Amen.

ĐIỀU RĂN CỦA HỘI THÁNH

Theo Sách Kinh cũ thì Hội Thánh có sáu điều răn. Nay theo Bản Toát yếu Giáo lý của Hội Thánh Công giáo (số 466).

Hội Thánh có năm điều răn:

Thứ nhất: dự lễ và kiêng việc xác ngày Chúa Nhật cùng các ngày lễ buộc;

Thứ hai: xưng tội trong một năm ít là một lần;

Thứ ba: rước Mình Thánh Chúa trong mùa Phục sinh;

Thứ bốn: giữ chay và kiêng thịt những ngày Hội Thánh buộc;

Thứ năm: góp công góp của xây dựng Hội Thánh, tùy theo khả năng của mình.

KINH BẢY PHÉP BÍ TÍCH

Đạo Đức Chúa Trời Có Bảy Phép Bí Tích

Thứ nhất: Là phép Rửa tội.

Thứ hai: Là phép Thêm sức.

Thứ ba: Là phép Mình Thánh Chúa.

Thứ bốn: Là phép Giải tội.

Thứ năm: Là phép Xức Dầu Thánh.

Thứ sáu: Là phép Truyền Chức Thánh.

Thứ bảy: Là phép Hôn phối.

Kinh MưỜi BỐn MỐi

Thương Người Có Mười Bốn Mối:

Thương xác bảy mối

Thứ nhất: Cho kẻ đói ăn.

Thứ hai: Cho kẻ khát uống.

Thứ ba: Cho kẻ rách rưới ăn mặc.

Thứ bốn: Viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc.

Thứ năm: Cho khách đỗ nhà.

Thứ sáu: Chuộc kẻ làm tôi.

Thứ bảy: Chôn xác kẻ chết.

Thương linh hồn bảy mối

Thứ nhất: Lấy lời lành mà khuyên người.

Thứ hai: Mở dạy kẻ mê muội.

Thứ ba: Yên ủi kẻ âu lo.

Thứ bốn: Răn bảo kẻ có tội.

Thứ năm: Tha kẻ dể ta.

Thứ sáu: Nhịn kẻ mất lòng ta.

Thứ bảy: Cầu cho kẻ sống và kẻ chết.

Kinh CẢi TỘi BẢy MỐi

Cải Tội Bảy Mối Có Bảy Đức:

Thứ nhất: Khiêm nhường, chớ kiêu ngạo.

Thứ hai: Rộng rãi, chớ hà tiện.

Thứ ba: Giữ mình sạch sẽ, chớ mê dâm dục.

Thứ bốn: Hay nhịn, chớ hờn giận.

Thứ năm: Kiêng bớt, chớ mê ăn uống.

Thứ sáu: Yêu người, chớ ghen ghét.

Thứ bảy: Siêng năng việc Đức Chúa Trời, chớ làm biếng.

Kinh Phúc ThẬt Tám MỐi

Phúc Thật Tám Mối:

Thứ nhất: Ai có lòng khó khăn, ấy là phúc thật, vì chưng Nước Đức Chúa Trời là của mình vậy.

Thứ hai: Ai hiền lành, ấy là phúc thật, vì chưng sẽ được đất Đức Chúa Trời làm của mình vậy.

Thứ ba: Ai khóc lóc, ấy là phúc thật, vì chưng sẽ được yên ủi vây.

Thứ bốn: Ai khao khát nhân đức trọn lành, ấy là phúc thật, vì chưng sẽ được no đủ vậy.

Thứ năm: Ai thương xót người, ấy là phúc thật, vì chưng mình sẽ được thương xót vậy.

Thứ sáu: Ai giữ lòng sạch sẽ, ấy là phúc thật, vì chưng sẽ được thấy mặt Đức Chúa Trời vậy.

Thứ bảy: Ai làm cho người hòa thuận, ấy là phúc thật, vì chưng sẽ được gọi là con Đức Chúa Trời vậy.

Thứ tám: Ai chịu khốn nạn vì đạo ngay, ấy là phúc thật, vì chưng Nước Đức Chúa Trời là của mình vậy.

kinh mân côi

NgẮm năm mẦu nhiỆm vui

Thứ nhất: Thiên Thần truyền tin cho Đức Bà chịu thai.

          “Bấy giờ Đức Maria nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”(Lc 1,38).

Suy gẫm: Thiên Thần truyền tin cho Đức Bà chịu thai. Ta hãy xin cho được ở khiêm nhường.

Thứ hai: Đức Bà đi viếng bà thánh I-sa-ve.

          “Hồi ấy, bà Ma-ri-a vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa. Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào hỏi bà Ê-li-sa-bet”(Lc 1,39-40).

Suy gẫm: Đức Bà đi viếng bà thánh I-sa-ve. Ta hãy xin cho được lòng yêu người.

Thứ ba: Đức Bà sinh Đức Chúa Giê-su nơi hang đá.

          “Bà Ma-ri-a đã tới ngày mãn nguyện khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ”(Lc 2,6-7).

Suy gẫm: Đức Bà sinh Đức Chúa Giê-su nơi hang đá. Ta hãy xin cho được lòng khó khăn.

Thứ bốn: Đức Bà dâng Đức Chúa Giê-su trong đền thánh.

          “ Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Mô-sê, bà Ma-ri-a và ông Giu-se đem con lên Giê-ru-sa-lem, để tiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa” (Lc 2,22-23).

Suy gẫm: Đức Bà dâng Đức Chúa Giê-su trong đền thánh. Ta hãy xin cho được vâng lời chịu lụy.

Thứ năm: Đức Bà tìm được Đức Chúa Giê-su trong đền thánh.

          “Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi” (Lc 2,46).

Suy gẫm: Đức Bà tìm được Đức Chúa Giê-su trong đền thánh. Ta hãy xin cho được giữ nghĩa cùng Chúa luôn.

NgẮm năm mẦu nhiỆm sáng

Thứ nhất: Đức Chúa Giê-su chịu phép Rửa tại sông Gio-đan.

          “Khi Đức Chúa Giê-su chịu phép Rửa xong, có tiếng tự trời phán: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 3,16-17).

Suy gẫm: Đức Chúa Giê-su chịu phép Rửa tại sông Gio-đan. Ta hãy xin cho được sống xứng đáng là con Thiên Chúa.

Thứ hai: Đức Chúa Giê-su làm phép lạ tại tiệc cưới Ca-na.

          “Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Ca-na miền Ga-li-lê. Trong tiệc cưới có thân mẫu Đức Giê-su, Đức Giê-su và các môn đệ cũng được mời tham dự” (Ga 2,1-2).

Suy gẫm: Đức Chúa Giê-su làm phép lạ tại tiệc cưới Ca-na, ta hãy xin cho được noi gương Đưc Mẹ mà vững tin vào Chúa.

Thứ ba: Đức Chúa Giê-su rao giang Nước Trời và kêu gọi sám hối.

           “ Đức Giê-su nói: “Thời kỳ đã mãn và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15).

Suy gẫm: Đức Chúa Giê-su rao giảng Nước Trời và kêu gọi sám hối, ta hãy xin cho được tin vào lòng Chúa thương xót và siêng năng lãnh nhận bí tích giao hoà.

Thứ bốn: Đức Chúa Giê-su biến hình trên núi.

          “Từ  đám mây có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người” (Lc 9,35).

Suy gẫm: Đức Chúa Giê-su biến hình trên núi, ta hãy xin cho được biến đổi nhờ Chúa Thánh Thần.

Thứ năm: Đức Chúa Giê-su lập bí tích Thánh Thể.

          “Trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1).

Suy gẫm: Đức Chúa Giêsu lập Bí tích Thánh Thể, ta hãy xin cho được sốt sắng tham dự thánh lễ và rước Mình Máu Thánh Người.

NgẮm năm mẦu nhiỆm thương

Thứ nhất: Đức Chúa Giê-su lo buồn đổ mồ hôi máu.

          “Lòng xao xuyến bồi hồi, Đức Giê-su càng khẩn thiết cầu xin. Và mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất” (Lc 22,44).

Suy gẫm: Đức Chúa Giê-su lo buồn đổ mồ hôi máu, ta hãy xin cho được ăn năn tội nên.

Thứ hai: Đức Chúa Giê-su chịu đánh đòn.

          “Bấy giờ ông Phi-la-tô truyền đem Đức Giê-su đi và đánh đòn Người” (Ga 19,1).

Suy gẫm: Đức Chúa Giê-su chịu đánh đòn, ta hãy xin cho được hãm mình chịu khó bằng lòng.

Thứ ba: Đức Giê-su chịu đội mão gai.

          “Bọn lính kết một vòng gai làm vương miện, đặt lên đầu Người, và khoác cho Người một áo choàng đỏ, rồi vả vào mặt Người”(Ga 19,2-3).

Suy gẫm: Đức Chúa Giê-su chịu đội mão gai, ta hãy xin cho được chịu mọi sự sỉ nhục bằng lòng.

Thứ Bốn: Đức Chúa Giê-su vác cây Thánh giá.

          “Họ điệu Đức Chúa Giê-su đi. Chính Người vác lấy thập giá đi ra, đến nơi gọi là Cái Sọ, tiếng Hip-ri là Gôn-gô-tha” (Ga 19,17).

Suy gẫm: Đức Chúa Giê-su vác cây Thánh giá, ta hãy xin cho được vác thánh giá theo chân Chúa.

Thứ năm: Đức Chúa Giê-su chịu chết trên cây thánh giá.

          “Họ đóng đinh Người vào thập giá, đồng thời cũng đóng đinh hai người khác nữa, mỗi người một bên, còn Đức Giê-su thì ở giữa” (Ga 19,18).

Suy gẫm: Đức Chúa Giê-su chịu chết trên cây thánh giá, ta hãy xin cho được đóng đinh tính xác thịt vào thánh giá Chúa.

NgẮm năm mẦu nhiỆm mỪng

Thứ nhất: Đức Chúa Giê-su sống lại.

          “Hai người đàn ông y phục sáng chói đứng bên họ và nói: “Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết? Người không còn đây nữa nhưng đã chỗi dậy rồi” (Lc 24,4-6).

Suy gẫm: Đức Chúa Giê-su sống lại, ta hãy xin cho được sống lại thật về phần linh hồn.

Thứ hai: Đức Chúa Giê-su lên trời.

          “Đang khi chúc lành cho các môn đệ, Đức Giê-su rời khỏi các ông và được đem lên trời”. (Lc 24,51)

Suy gẫm: Đức Chúa Giê-su lên trời, ta hãy xin cho được lòng ái mộ những sự trên trời.

Thứ ba: Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống.

          “Ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiêng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho”. (Cv 2,4)

Suy gẫm: Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống, ta hãy xin cho được lòng đầy dẫy mọi ơn Đức Chúa Thánh Thần.

Thứ bốn: Đức Chúa Trời cho Đức Bà lên trời.

          “Phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi” (Mt 12,50).

Suy gẫm: Đức Chúa Trời cho Đức Bà lên trời, ta hãy xin cho được ơn chết lành trong tay Đức Mẹ.

Thứ năm: Đức Chúa Trời thưởng Đức Mẹ trên trời.

          “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi” (Lc 2,46).

Suy gẫm: Đức Chúa Trời thưởng Đức Mẹ trên trời, ta hãy xin Đức Mẹ phù hộ cho ta được thưởng cùng Đức Mẹ trên nước thiên đàng.

PHẦN ĐỌC THÊM

[Thư chung của Đức Cha giáo phận ngày 01 tháng 04 năm 2010, số 5) :

5. Chấn chỉnh về phụng vụ :

Sự thánh thiện của Giáo hội còn được biểu lộ qua tính cách thánh thiêng của phụng vụ. “Vì là công việc của Chúa Kitô Tư tế và của Thân Thể Người là Giáo hội, nên mọi cuộc cử hành phụng vụ đều là hành vi chí thánh” (Hiến chế Phụng vụ số 7). Tôi nhận thấy anh chị em vốn có lòng đạo đức, siêng năng tham dự các lễ nghi phụng vụ và các sinh hoạt đạo đức. Tuy nhiên anh chị em đừng quan niệm phụng vụ như những lễ hội hoặc chỉ là nghi thức bề ngoài, trái lại hãy tham dự cách ý thức, với tinh thần cầu nguyện sốt sắng. Sau đây là ít điểm cần được chấn chỉnh lại.

a. Trật tự trong việc cử hành phụng vụ

Để việc cử hành phụng vụ được sốt sắng, cộng đoàn cần giữ trật tự trang nghiêm, theo sự hướng dẫn của những người có trách nhiệm. Các nhà thờ thường không đủ chỗ cho tất cả mọi giáo dân, nên rất nhiều khi xảy ra tình trạng chen lấn, xô đẩy, ùa vào các lối đi trong nhà thờ. Đặc biệt trong các dịp lễ lớn, nhiều người chen lấn ồn ào tạo ra sự mất trật tự, nhất là khi đoàn đồng tế tiến vào cung thánh, hoặc khi có những nghi lễ đặc biệt, hay những lúc đứng lên ngồi xuống, khi tiến lên rước lễ, và sau khi ban phép lành cuối lễ. Từ nay, anh chị em hãy quyết tâm không để tái diễn tình trạng đó; hãy tạo cho các buổi phụng vụ một bầu khí trang nghiêm sốt sắng. Nếu vì nhà thờ không đủ chỗ mà phải đứng ở ngoài, ban tổ chức bố trí âm thanh thật tốt để mọi người cùng tham dự tích cực.

b. Ngày chầu lượt

Mỗi giáo xứ đã được chỉ định một ngày chầu thay giáo phận. Anh chị em hãy tổ chức ngày chầu thật sốt sắng, với tâm hồn thành kính tôn thờ Chúa Giêsu hiện diện nơi bí tích Thánh Thể, đền tội và cầu xin ơn lành cho mọi người trong giáo phận cũng như cho những người chưa biết Chúa. Mọi người cố gắng thu xếp thời giờ tham dự giờ chầu với cộng đoàn.

Để ngày chầu lượt tại các giáo xứ đem lại nhiều ích lợi thiêng liêng, xin anh chị em lưu ý mấy điều sau đây:

1)      Theo sự hướng dẫn của cha xứ, toàn giáo xứ chuẩn bị ngày chầu bằng những buổi tĩnh tâm, học hỏi về Thánh Thể, xưng tội, tham dự thánh lễ hoặc chầu Thánh Thể.

2)      Bầu khí trong ngày chầu lượt phải sốt sắng trang nghiêm, hạn chế tối đa các sinh hoạt ồn ào bên ngoài nhà thờ.

3)      Nếu xứ nào tổ chức rước kiệu Thánh Thể, thì cần thực hiện hết sức trang nghiêm để biểu lộ tâm tình thờ kính. Trong cuộc rước kiệu Thánh Thể cũng như trong các cuộc rước kiệu khác, anh chị em sẽ theo cách thức sau đây : – tất cả mọi người đều đi vào hàng lối; – không đứng ngoài nói chuyện, chỉ trỏ, cười đùa, bình phẩm, giống như người đi xem biểu diễn; – đọc kinh ca hát đều nhịp, hoặc thinh lặng suy niệm theo người hướng dẫn; – hội kèn, hội trống, ca đoàn, không vang lên cùng một lúc, nhưng lần lượt thay phiên nhau phục vụ; – ban trống không nhảy múa. – Cần chuẩn bị âm thanh thật tốt để hướng dẫn cộng đoàn.

4)      Xin anh chị em không tổ chức họp mặt tiệc tùng. Nhà nào về nhà nấy dùng cơm đơn giản; đừng vì cỗ bàn mà ảnh hưởng đến việc chầu.

Tóm lại, ngày chầu lượt phải trở thành dịp củng cố đức tin và canh tân đời sống cho cộng đoàn giáo xứ.

c. Sinh hoạt tháng hoa

Theo truyền thống của Giáo hội, tháng Năm được dành riêng để dâng kính Đức Mẹ với các buổi dâng hoa, rước hoa, kiệu Đức Mẹ. Anh chị em hãy tham dự các sinh hoạt đạo đức này cách tích cực, sốt sắng, với tâm hồn cầu nguyện. Qua các hình thức bề ngoài, anh chị em hãy hướng tâm hồn lên Chúa và Đức Mẹ, dành ưu tiên cho việc chiêm ngắm và học tập các nhân đức của Mẹ. Về việc rước kiệu, chúng ta thực hiện như đã nói trên].

 

 

 

 

 

 

 

Đăng một bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật.


*