Thập giá: bàn thờ dâng của lễ đời ta | Ban Giáo lý và Mục vụ Thiếu Nhi Phát Diệm
Tin mới nhất:

Thập giá: bàn thờ dâng của lễ đời ta

THẬP GIÁ: BÀN THỜ DÂNG CỦA LỄ ĐỜI TA

Lm. Giuse Nguyễn Văn Hội CSsR.

WHĐ – Theo sách Sáng Thế, khi vừa ra khỏi tàu sau trận Hồng Thủy, ông Nôê đã dựng một “bàn thờ”[1] để tạ ơn Chúa. Trên “bàn thờ” ấy, ông đặt “các gia súc thanh sạch và các loài chim thanh sạch” ông chọn trong số gia súc mà ông đã đưa lên tàu (x. St 8,20). Khi lễ vật của Nôê được đốt lên, “Đức Chúa ngửi mùi thơm ngon” (c.21a). “Ngửi mùi thơm ngon” hay “hương thơm làm vui thoả” bay lên từ của lễ trên bàn thờ là cách diễn tả việc Thiên Chúa vui lòng đón nhận hy lễ của con người (x. Xh 29,8.25.41; Lv 1,9.13). Quả thật, sau khi “ngửi mùi thơm ngon”, Đức Chúa tự nhủ: “Ta sẽ không bao giờ nguyền rủa đất đai vì con người nữa. Lòng con người toan tính điều xấu từ khi còn trẻ, nhưng Ta sẽ không còn sát hại mọi sinh vật như Ta đã làm” (St 8,21b).

Như thế, “bàn thờ” mà Nôê dựng, “lễ vật” mà ông chọn để dâng tiến đã khiến Đức Chúa hài lòng.

Sau Nôê, Ápraham cũng dựng “bàn thờ” tại Sikhem, tại BếtÊn (x. St 12,7-8; 13,4) và nhất là tại núi Môrigia, nơi mà Thiên Chúa thử thách ông khi yêu cầu ông dâng con của mình là Ixaác làm lễ toàn thiêu (x. St 22). Để chuẩn bị cho lễ toàn thiêu này, Ápraham “dựng bàn thờ, xếp củi lên, trói Ixaác con ông lại, đặt trên bàn thờ, trên đống củi” (St 22,9). Lễ vật toàn thiêu lúc này không còn là “những con vật thanh sạch” nữa, mà là người con của Ápraham, là chính người con một yêu dấu. “Tương lai” của Ápraham, “lẽ sống” của ông và có thể nói, chính sự sống của ông đã được đặt trên bàn thờ. Tấm lòng của Ápraham, bàn thờ ông đã dựng và lễ vật mà ông sẵn sàng dâng tiến, tất cả đã khiến Đức Chúa như phải thốt lên: “Bây giờ Ta đã biết ngươi là kẻ kính sợ Thiên Chúa” (St 22,11) và Người đã hứa sẽ “thi ân giáng phúc cho ngươi, sẽ làm cho dòng dõi ngươi nên đông, nên nhiều như sao trên bầu trời, như cát ngoài bãi biển” (St 22,17).

Nôê là người mà Kinh Thánh kể là “được đẹp lòng Đức Chúa”, là “công chính”, là “hoàn hảo”, là người “đi với Thiên Chúa” (x. St 6,8-9). Lễ vật trên bàn thờ của ông là “những gia súc thanh sạch” đã được Thiên Chúa vui lòng đón nhận. Ápraham cũng được Thiên Chúa kể là người “công chính” (St 15,6), ông cũng được mời gọi “bước đi trước mặt Thiên Chúa” và “sống hoàn hảo” (x. St 17,1). Của lễ Ápraham dâng trên bàn thờ là chính người con duy nhất và niềm tin tưởng tuyệt đối của ông đã được Thiên Chúa thừa nhận và chúc lành.

Và có Một Người luôn “đẹp lòng Cha mọi đàng” ( x. Mt 17,5), sẽ dâng lễ vật là chính “thân mình”, như tác giả thư Hípri viết: “Khi vào trần gian, Đức Kitô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài… Thế là Người bãi bỏ các lễ tế cũ mà thiết lập lễ tế mới. Theo ý đó, chúng ta được thánh hóa nhờ Đức Giêsu Kitô đã hiến dâng thân mình làm lễ tế, chỉ một lần là đủ” (Hr 10,5-10). Thánh Phaolô cũng nói, Đức Giêsu đã “trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người là còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,6-8).

Như thế, của lễ mà Đức Giêsu dâng chính là “thân mình” Ngài, còn bàn thờ chính là “cây thập tự”.

Nôê và Ápraham là những người “đi với Thiên Chúa”, sống “hoàn hảo”đều cần đến bàn thờ để dâng những gì quý giá nhất. Đức Giêsu là người luôn làm hài lòng Chúa Cha cũng cần đến “bàn thờ thập tự” để dâng chính sự sống của mình. Còn kitô hữu, những người con của các tổ phụ, là người theo Đức Giêsu thì của lễ là gì và cần bàn thờ nào để dâng của lễ?

Trong thư gửi tín hữu Rôma, thánh Phaolô trả lời: “Thưa anh em, vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người. Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo” (Rm 12,1-2).

Như thế, của lễ mà kitô hữu dâng mỗi ngày không phải gì khác, mà là chính “thân mình sống động”. Đức Giêsu đã không chối bỏ hay né tránh “bàn thờ thập tự”, thì kitô hữu cũng không có quyền từ chối thập giá. “Bàn thờ thập tự” là nơi ta thấy rõ nhất việc dâng hiến của Đức Giêsu, nhưng đó không phải là nơi duy nhất Ngài dâng của lễ lên Chúa Cha. Chắc chắn Ngài đã chấp nhận thập giá mỗi ngày khi bị người ta ghét bỏ (Lc 4,28-30), chống đối (Lc 6,11; Mc 12,12), và ngay cả bị thân nhân xem là mất trí (Mc 3,20-21). Bàn thờ thập tự luôn đi liền với Đức Giêsu thế nào, thì chắc chắn cũng đi liền với những kẻ theo Ngài như vậy. Chính Đức Giêsu đã từng nói: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mc 8,34).

Nếu đời ta là “của lễ” như lời thánh Phaolô hay như lời bài hát: “Đời con như của lễ không hề ngưng như tấm bánh luôn để dâng”, thì bàn thờ để ta dâng của lễ chính là những “thập giá” mà ta gặp hằng ngày. Không lẽ những người yêu mến, muốn đi theo Đức Giêsu và muốn dâng của lễ, lại chối bỏ bàn thờ này ? Của lễ “thanh sạch” của Nôê và của lễ quý giá của Ápraham cần đến bàn thờ thế nào, thì của lễ đời kitô hữu cũng cần đến bàn thờ thập giá như vậy.

Không có bàn thờ sẽ không có nơi để dâng của lễ. Nhưng ta luôn bị cám dỗ như Phêrô, muốn theo Thầy, mà không muốn con đường thập giá. Phêrô đã ngăn cản Thầy tránh né thập giá, nhưng ông đã bị Đức Giêsu gọi là “Satan”, và bắt ông “lui lại đàng sau”, “vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người”(Mc 8,33).

Một tôn giáo dễ dãi, hay chỉ có mục đích đáp ứng những lời cầu xin của người ta, còn người ta thì không cần cố gắng, không cần hy sinh, thì đó không phải là tôn giáo của kitô hữu. Nói cách khác, cuộc đời không nước mắt, vắng bóng thập giá, đó không phải là cuộc đời của một người tin vào Giêsu, Đấng chấp nhận thập giá và chấp nhận để người ta ghim thân xác mình vào thập giá, như thánh Phaolô đã nói: “Tôi không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô, mà là Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào thập giá” (1Cr 2,2). Đức Giáo Hoàng Phanxicô, trong Tông huấn “Hãy vui mừng hoan hỉ” (Gaudete et Exsultate) về ơn gọi nên thánh trong thế giới ngày nay, cũng nói: “Người ta tốn nhiều công sức để chạy trốn đau khổ, và tưởng rằng có thể che giấu được thực tại, nhưng thực tế cuộc sống không bao giờ vắng bóng thập giá” (số 75).

Cuộc đời không bao giờ vắng bóng thập giá, cũng có nghĩa là cuộc đời luôn có “bàn thờ” để dâng chính đời sống của ta làm “hy lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa” (Rm 1,1). Nếu kitô hữu nhìn như vậy, thập giá sẽ không còn là chướng ngại, nhưng là dịp để nên giống Đấng chịu đóng đinh, Đấng mà họ bước theo mỗi ngày. Thánh Phaolô là một tấm gương tuyệt vời để noi theo. Ngài say mê và sống cuộc tử nạn của Đức Giêsu trong chính cuộc đời của mình: “Tôi mang trong thân mình tôi cuộc tử nạn của Chúa Giêsu, ngõ hầu sự sống của Chúa Giêsu cũng được tỏ hiện nơi thân xác chết dở của tôi” (2Cr 4,10).Và thánh Phaolô cũng xác tín, sau thập giá, sẽ có vinh quang: “Tôi thông phần vào sự thống khổ của Chúa Giêsu, để được đồng hình đồng dạng với sự chết của Ngài, để làm sao đạt tới ơn Phục Sinh từ cõi chết” (Pl 3,10-11).

Như thế, chết để được sống. Đời có thập giá là đời luôn có bàn thờ, luôn có dịp để cải biến con người “bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo” (Rm 12,1-2). Bàn thờ và của lễ không thể tách rời nhau, thì thập giá và đời sống của kitô hữu nói chung và của người dâng hiến nói riêng, có lẽ cũng vậy. Thập giá là bàn thờ, trên đó Đức Giêsu đã dâng hiến chính mình làm của lễ, thì lẽ nào những kẻ theo Ngài không làm như vậy ? Vì thế, đón nhận thập giá với tâm hồn bình an, đó cũng là một chọn lựa, một cung cách sống của kitô hữu, để rồi có ngày “đạt tới ơn phục sinh từ cõi chết” như lời thánh Phaolô.

Ápraham đã dâng Ixaac là tương lai, là lẽ sống và là chính sự sống của ông. Ông đã vượt ra khỏi cái tầm thường khi đáp lại tiếng Chúa mời gọi: “Hãy bước đi trước mặt Ta và hãy sống hoàn hảo” (St 17,1). Kitô hữu là người đi theo Đức Giêsu (sequela Christi), được mời gọi “hãy sống hoàn hảo” như Ápraham, được mời gọi nên thánh (Lv 19,2; 1 Pr 1,15-16), thì cũng cần vượt ra khỏi cái tầm thường để sống căn tính ơn gọi của mình. Đó cũng là lời nhắn nhủ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô khi viết rằng Đức Giêsu “muốn chúng ta nên thánh, chứ không muốn chúng ta bằng lòng với một cuộc sống nhạt nhẽo và tầm thường” (Gaudete et Exsultate, số 1).

Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN số 116 (Tháng 01 & 02, năm 2020)

[1] “Bàn thờ”, tiếng Do thái là mizbeah, do động từ zabah, và tiếng Hy Lạp là thusiastèrion, do động từ thusia, có nghĩa là “giết súc vật để hiến tế”. Đây là một từ quan trọng và được dùng đến hơn 400 lần trong Kinh Thánh tiếng Do Thái và Hy Lạp.

Nguồn: hdgmvietnam.com

Đăng một bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật.


*